Trung Quốc lần đầu mở cửa thị trường dầu khí cho doanh nghiệp nước ngoài
Theo thông báo từ Bộ Tài nguyên, kể từ ngày 5/1/2020, các công ty nước ngoài đăng ký hoạt động tại Trung Quốc với tài sản ròng từ 300 triệu NDT (43 triệu USD) trở lên sẽ được phép tham gia vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Thông báo được đưa ra tại một phiên họp báo truyền thống của Bộ này.
Giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ có hiệu lực trong 5 năm kể từ thời điểm đăng ký ban đầu và có khả năng được gia hạn trong 5 năm tiếp theo. Khi các công ty nộp đơn xin gia hạn thăm dò khai thác khoáng sản, Chính phủ Trung Quốc sẽ tự động cắt giảm 25% diện tích khu vực thăm dò/ khai thác so với tổng diện tích đăng ký ban đầu, theo thông tin do Bộ Tài nguyên Trung Quốc cung cấp.
Động thái mới đây được xem là một phần trong nỗ lực tăng cường phát triển ngành dầu khí và đưa vốn tư nhân vào phát triển hoạt động kinh doanh năng lượng của Bắc Kinh. Trước kia, các công ty nước ngoài chỉ có thể tham gia vào ngành dầu khí năng lượng thông qua liên doanh hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước bao gồm Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec)...
Hồi cuối tháng 12/2019, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ mở cửa thị trường điện và viễn thông cho doanh nghiệp tư nhân. Hai thị trường này trước đó gần như được độc quyền bởi các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp vốn nhà nước. Chính phủ khi đó cam kết sẽ đối xử với các công ty tư nhân bình đẳng như với các doanh nghiệp nhà nước trong những ngành công nghiệp kể trên.
Tuyên bố mở cửa thị trường khai thác dầu khí cho doanh nghiệp nước ngoài được đưa ra vào thời điểm phái đoàn thương mại Trung Quốc sắp có chuyến thăm Washington để dự lễ ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày (13-15/1/2020). Một ngày sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Bắc Kinh để thúc đẩy tiến trình đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2, qua đó giải quyết các mâu thuẫn sâu sắc hơn giữa hai nền kinh tế.
Việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 được xem là động thái đầy lạc quan tạm chấm dứt xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong 18 tháng qua. Trước đó, chính quyền Trump đã khơi mào xung đột với hàng loạt các cáo buộc Trung Quốc gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh… Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh sau thông tin hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, dù nội dung chi tiết về thỏa thuận hiện chưa được công bố.