Mỹ và Châu Âu thành ổ dịch mới: Kinh tế Châu Á sẽ phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 nhanh hơn

25/03/2020 17:28 GMT+7
Morgan Stanley nhận định đại dịch Covid-19 ở Châu Á đang được kiểm soát tốt hơn phương Tây, và kinh tế Châu Á cũng dễ vượt qua khủng hoảng hơn so với vị thế của phương Tây hiện tại.
Kinh tế Châu Á sẽ phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 nhanh hơn phương Tây - Ảnh 1.

Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết lệnh phong tỏa, kỳ vọng kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19

Mỹ và Châu Âu đang trở thành những ổ dịch virus corona mới trên toàn cầu khi 85% số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua nằm ở 2 khu vực này, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Số ca nhiễm mới virus corona ở Mỹ đã tăng gấp 10 lần trong tuần qua lên hơn 50.000 trường hợp trong khi tại các quốc gia Châu Âu như Italy và Tây Ban Nha, các trường hợp nhiễm bệnh cũng tăng lên hàng chục nghìn.

Andrew Harmstone, nhà quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại Morgan Stanley nhận định điều này nghĩa là danh mục đầu tư có thể chuyển dần sang Trung Quốc hoặc Châu Á, bởi dịch virus corona đang di chuyển từ các khu vực đó sang phương Tây. Andrew Harmstone chỉ ra rằng các nước Phương Tây vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, do đó để kinh tế Trung Quốc phục hồi hoàn toàn, kinh tế toàn cầu khởi sắc là điều kiện thiết yếu. Tuy nhiên, các nền kinh tế Châu Á nhìn chung vẫn có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn so với những đối tác phương Tây.

Kinh nghiệm phục hồi từ những cuộc khủng hoảng trong quá khứ

Những dịch bệnh nghiêm trọng và hệ quả kinh tế của nó không còn xa lạ với các quốc gia Châu Á. Dịch Covid-19 hiện tại thường được so sánh với đại dịch SARS hồi năm 2003 - dịch bệnh đã tấn công nền kinh tế Trung Quốc, Singapore và đẩy chúng vào suy thoái.

Kinh nghiệm phục hồi kinh tế từ sau dịch bệnh là một nhân tố giúp các nền kinh tế Châu Á có vị thế tốt hơn so với phương Tây.

“Các chính phủ Châu Á đã trải qua những bài học về khủng hoảng dịch bệnh trong quá khứ, qua đó xây dựng được những kinh nghiệm và phản ứng nhanh chóng, dứt khoát để hỗ trợ nền kinh tế trước những cú sốc” - nhận định của Lin Jing Leong, giám đốc đầu tư tại Aberdeen Standard Investments. “Ngoài ra, các chính phủ trong khu vực cũng học tập những phản ứng kịp thời, mạnh mẽ từ Trung Quốc trong việc đối phó với dịch bệnh”. 

Sau Trung Quốc, nhiều chính phủ Châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia cũng thực hiện các biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh. Việc dịch bệnh được kiểm soát tốt là một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của thị trường.

Các ngân hàng Trung Ương Châu Á có dự địa cắt giảm lãi suất

Lãi suất cơ bản toàn cầu vốn đã ở mức thấp trong những năm qua. Nhiều quốc gia như các nước Châu Âu thậm chí chứng kiến lãi suất âm, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED mới đây đưa lãi suất về 0 để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19. Nghĩa là giờ đây, FED và Ngân hàng Trung Ương Châu Âu ECB còn rất ít dư địa để tiến hành những đợt cắt giảm lãi suất như vậy.

So với các nước phương Tây, vị thế của các ngân hàng Trung Ương Châu Á an toàn hơn nhiều. Lãi suất thực của các ngân hàng này vẫn đang duy trì ở mức tích cực, thậm chí là cao tại thị trường Châu Á. Tức là các nhà hoạch định chính sách Châu Á có nhiều dư địa điều chỉnh, nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua bơm thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong tình huống như vậy, nền kinh tế các quốc gia Châu Á rõ ràng có động lực tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế phương Tây, vốn đã chứng kiến tăng trưởng GDP suy yếu trong những năm qua.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục