Vì sao các nước phương Tây thất bại trong việc kiểm soát dịch Covid-19?

24/03/2020 11:56 GMT+7
Đại dịch Covid-19 giết chết hơn 16.000 người trên toàn cầu không làm người dân phương Tây ngừng đổ ra đường trong kỳ nghỉ cuối tuần. Những công viên New York vẫn nhộn nhịp người đạp xe và chạy bộ. Những bãi biển California vẫn sầm uất trái ngược hẳn khung cảnh vắng lặng ở các điểm du lịch Châu Á.

Khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát ở Italy, chính quyền nước này đã nhanh chóng phong tỏa các khu vực “nóng” có số ca lây nhiễm cao. Khi tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng, Italy tuyên bố phong tỏa quốc gia từ ngày 9/3. Bất cứ ai vi phạm lệnh phong tỏa sẽ phải chịu mức phạt 232 USD và 6 tháng tù giam.

Nhưng cảnh sát Italy đã phát hiện hàng trăm ngàn người Italy không thực hiện những lệnh phong tỏa như vậy. Một quan chức Hội chữ thập đỏ Trung Quốc nói với CNN rằng dù Italy là một trong những quốc gia siết chặt kiểm dịch nhất Châu Âu, lệnh phong tỏa dường như vẫn không đủ nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng.

Chính phủ Italy sau đó phải huy động quân đội để thực thi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và hơn 1.400 người Italy tử vong chỉ trong 2 ngày cuối tuần.

Châu Âu dường như không học được bài học lớn từ Italy trong công tác kiểm dịch.

Vì sao các nước phương Tây thất bại trong việc kiểm soát dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Người dân London đổ xô đến công viên tắm nắng cuối tuần bất chấp dịch Covid-19

Tại London, vào dịp cuối tuần, người dân đổ xô đến các công viên tắm nắng bất chấp khuyến nghị cách ly tại nhà, hạn chế di chuyển của chính phủ. Thủ tướng Anh Boris Johnson trong tối 23/3 phải tuyên bố phong tỏa quốc gia trong một nỗ lực kiểm soát dịch bệnh muộn màng. “Người dân chỉ nên rời khỏi nhà vì các mục đích hạn chế bao gồm: mua sắm nhu yếu phẩm cơ bản, tập thể dục 1 lần/ ngày, sử dụng dịch vụ y tế hoặc một nhu cầu bức thiết nào khác”. 

“Nếu không vì những nhu cầu bức thiết như thế, bạn không nên ra khỏi nhà. Không nên gặp gỡ bạn bè. Hãy từ chối những cuộc hẹn. Không nên gặp gỡ những thành viên gia đình không sống trong nhà bạn”. Ông Boris Johnson nhấn mạnh sẽ điều động lực lượng cảnh sát để hỗ trợ việc thực thi lệnh phong tỏa bằng cách giải tán các cuộc tụ họp công cộng và các khoản tiền phạt kèm theo.

Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Matt Hancock trước đó tuyên bố những công dân không thực hiện biện pháp cách ly theo yêu cầu của chính phủ là “ích kỷ”, còn Thống đốc New York Andrew Cuomo mô tả những người Mỹ tụ tập vui chơi trong công viên là “sai lầm” và “vô cảm”.

Dù vậy, chuyên gia Nick Chater, giáo sư Khoa học hành vi tại Trường kinh doanh Warwick vẫn cho rằng những hành động của các nhà lãnh đạo phương Tây là chưa đủ. Việc đóng cửa các quán bar, nhà hàng, nhà hát và trường học, đồng thời kêu gọi công chúng lắng nghe lời khuyến nghị để kiềm chế dịch Covid-19 là “quá nhẹ nhàng”. 

“Khi người dân được nghe lời lẽ khuyên bảo nhẹ nhàng để làm một điều gì đó, tôi không nghĩ họ sẽ xem đó là điều nhất thiết phải làm bằng mọi cách… Thông điệp họ nhận được từ chính phủ được ngầm hiểu là không quan trọng; vì nếu nó thực sự quan trọng, chính phủ sẽ không dùng giọng điệu như “chúng tôi khuyên bạn nên dừng đèn đỏ, chúng tôi khuyên bạn nên lái xe ở làn đường này”... Chính phủ sẽ nói rằng bạn phải làm thế, nếu không, bạn sẽ vi phạm pháp luật”.

Đức, quốc gia Châu Âu có số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ 6 thế giới (22.672 ca tính đến sáng 24/3) đã thực hiện lệnh “cấm liên lạc” thay vì phong tỏa quốc gia. Thủ tướng Angela Merkel hôm 22/3 tuyên bố nước này sẽ cấm các cuộc tụ tập gặp gỡ nhiều hơn 2 người, trừ những người sống chung trong gia đình để “giảm liên lạc” giữa các công dân, qua đó kiềm chế virus corona lây lan. Nhưng rõ ràng, một biện pháp lỏng lẻo như vậy là chưa đủ để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn.

Đã có những tiếng nói chỉ trích những đám đông đổ xuống biển ở California, những chuyến tàu điện ngầm đông nghẹt hành khách ở Anh, những du khách nhộn nhịp ở bãi biển Bondi của Australia… bất chấp những khuyến cáo y tế. 

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom sau đó chia sẻ thông điệp “Đừng ích kỷ” để đáp lại hình ảnh đám đông ở bãi biển. Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland, Nicola Sturgeon kêu gọi người dân “làm điều đúng đắn ngay bây giờ” còn Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích việc tụ tập ở bãi biển là “sự coi thường” quy tắc cách ly xã hội. 

Nhưng chuyên gia Nick Chater cảnh báo những thông điệp này là chưa đủ. “Chúng tôi đã nhìn cách Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi đã nhìn cách Hàn Quốc giảm thiểu số ca nhiễm bệnh. Chúng tôi thấy rằng có những chiến lược thực sự hiệu quả”.

“Ở Trung Quốc, biện pháp chính là phong tỏa nghiêm ngặt. Dù có thể các biện pháp phong tỏa là quá mức cần thiết, nhưng chúng ta thấy rằng nó thực sự hiệu quả.” Trung Quốc kể từ hôm thứ Năm tuần trước đã báo cáo không có ca nhiễm mới virus corona nào trong nước. Các ca nhiễm mới được xác nhận hoàn toàn là du khách hoặc công dân từ nước ngoài trở về. 

Nick Chater chỉ ra rằng một số quốc gia Châu Âu đang nỗ lực giảm thiểu sự lây lan virus corona. Tại Pháp, hàng ngàn khoản tiền phạt đã được ban hành đến những người vi phạm lệnh phong tỏa. “Nếu các nhà lãnh đạo muốn công dân tuân thủ các khuyến cáo, họ phải biến nó thành “bắt buộc”” - ông Nick lưu ý.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục