Năm 2019, tới 40% dân số Trung Quốc chỉ kiếm được 141 USD/ tháng

16/06/2020 10:34 GMT+7
Một báo cáo đăng trên tờ South China Morning Post mới đây chỉ ra hơn 40% dân số Trung Quốc chỉ kiếm được khoảng 1.000 NDT (141 USD) mỗi tháng vào năm 2019.
Năm 2019, tới 40% dân số Trung Quốc chỉ kiếm được 141 USD/ tháng - Ảnh 1.

Báo cáo của NBS cho thấy 40% dân số Trung Quốc có thu nhập bình quân chỉ 141 USD/ tháng năm 2019

Báo cáo được trích trong bản tóm tắt thống kê niên giám 2019 từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) - cơ quan thống kê kinh tế hàng đầu Trung Quốc và được Thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc lại trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 5.

Cụ thể, trong năm 2019, khoảng 40% hộ gia đình Trung Quốc, tức khoảng 600 triệu người trên tổng số 1,4 tỷ dân có thu nhập bình quân đầu người là 11.485 NDT (1.621 USD) trong năm, trung bình 957 NDT/ tháng. Nhóm này bao gồm cả người có thu nhập thấp và người có thu nhập trung bình thấp. Người có thu nhập thấp được xếp hạng là đối tượng có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 NDT. Người có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng là đối tượng có thu nhập hàng tháng trên 1.000 NDT. 

Mức thu nhập bình quân này đã tăng so với khảo sát hồi năm 2018 là 866 NDT/ tháng, nhưng vẫn còn ở mức thấp đáng kể so với mục tiêu xóa nghèo hoàn toàn vào năm 2020 mà chính phủ Bắc Kinh đưa ra trước đó.

Khảo sát cũng chỉ ra có 20% hộ gia đình trên top đầu có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng là 6.367 NDT (899 USD).

Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hiện xếp Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới. Lượng lớn người dân các khu vực nông thôn, miền Trung và miền Tây Trung Quốc vẫn chứng kiến thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Cục thống kê Quốc gia NBS đánh giá nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo hiện tại là vô cùng khó khăn, nhất là sau khi khủng hoảng đại dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế. 

NBS cũng nhận định khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, ngày càng có nhiều người trong nhóm thu nhập thấp được chuyển đổi thành người có thu nhập trung bình. Thị trường nội địa 1,4 tỷ dân của Trung Quốc do đó được đánh giá cao về tiềm năng phát triển.

Nhưng không thể phủ nhận các dữ liệu mức thu nhập bình quân đang phản ánh rõ rệt mức độ bất bình đẳng giàu nghèo tại Trung Quốc. Hiện tượng bất bình đẳng có khả năng trở nên trầm trọng hơn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến nhóm lao động thu nhập thấp, đặc biệt là người lao động nhập cư và các khu vực nông thôn.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới nếu tính theo sức mua tương đương, nhưng GDP vẫn tụt xa tương đối so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ do phân phối thu nhập nghiêng về khu vực nhà nước, dẫn đến tình trạng chênh lệch giàu nghèo rõ rệt. Điển hình là chênh lệch thu nhập giữa cư dân nông thôn và thành thị.

Hệ số Gini đo lường bất bình đẳng sân số đã tăng mạnh trong 3 năm liên tiếp lên mức 0,488 năm 2018 trước khi giảm nhẹ xuống 0,465 vào năm 2019.

Hồi năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo tuyệt đối và xây dựng một xã hội không có người nghèo trong năm 2020. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết 5,5 triệu người ở khu vực nông thôn nước này vẫn đang trong tình trạng nghèo đói. Con số này vẫn kém xa mục tiêu của Chủ tịch Tập, dù đã giảm mạnh so với thống kê 99 triệu người nghèo vào năm 2012. 

Sự bùng phát của dịch virus corona gần đây đã tạo nên nhiều thách thức mới với mục tiêu xóa nghèo hoàn toàn năm 2020 của ông Tập Cận Bình. Những biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ như phong tỏa thành phố, hạn chế giao thông, cách ly khu vực… đã làm tê liệt tới 80% nền kinh tế, ảnh hưởng tới 500 triệu người, theo thống kê của Reuters. Hoạt động thương mại, sản xuất vật tư nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề trong khi người lao động nhập cư không thể trở lại làm việc ngay tức thời do nhiều hệ lụy kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục