Năm 2022, giá toàn cầu mặt hàng này tăng lên trung bình 15 USD/kg, Việt Nam xuất khẩu cực nhiều

17/01/2022 13:36 GMT+7
Giá tôm toàn cầu năm 2022 có thể tăng 7% lên trung bình 15 USD/kg vì nhu cầu tiêu thụ, chi phí vận chuyển và nhiên liệu đồng loạt tăng. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu tôm cực lớn trên thế giới...

Xuất khẩu tôm tiếp tục phục hồi...

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 40 nghìn tấn, trị giá 363,76 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, xuất khẩu tôm tiếp tục phục hồi sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021 do tác động của dịch Covid-19. Điều này cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã thích nghi nhanh với trạng thái bình thường mới, phục hồi sản xuất và xuất khẩu. 

Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 381,1 nghìn tấn, trị giá 3,53 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính xuất khẩu tôm của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 40 nghìn tấn, trị giá 360 triệu USD, tăng 15,31% về lượng và tăng 22,59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021 ước đạt 420,3 nghìn tấn, trị giá 3,871 tỷ USD, tăng 2,22% về lượng và tăng 4,83% về trị giá so với năm 2020.

Năm 2022, giá toàn cầu mặt hàng này tăng lên trung bình 15 USD/kg, Việt Nam xuất khẩu cực nhiều  - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan; ước tính tháng 12/2021

Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 9,09 USD/kg, tăng 0,42 USD/kg so với tháng 11/2020, nhưng giảm 0,64 USD/kg so với tháng 10/2021. Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam tới Hoa Kỳ và EU tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong khi giá xuất khẩu trung bình tôm sang Trung Quốc và Anh giảm. 

Tháng 11/2021, xuất khẩu tôm sang thị trường EU và Hàn Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Hong Kong và Nga vẫn gặp khó khăn. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ, EU và Úc tăng trưởng khả quan, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn khác giảm. 

Dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới năm 2022 nhiều khả năng sẽ không giảm. Do đó, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Năm 2022, giá toàn cầu mặt hàng này tăng lên trung bình 15 USD/kg, Việt Nam xuất khẩu cực nhiều  - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về thị trường, năm 2022 dự báo xuất khẩu thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm của Việt Nam vào Úc sẽ có sự bứt phá mạnh. Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản vào thị trường Úc đã đạt 171,04 nghìn tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm 1% về lượng, nhưng tăng 3,2% về trị giá so với 10 tháng năm 2020.

Thái Lan là thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Úc trong 10 tháng năm 2021, đạt 41,15 nghìn tấn, trị giá 218,5 triệu USD, giảm 40,9% về lượng và giảm 39,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Úc trong 10 tháng năm 2021, đạt 29,76 nghìn tấn, trị giá 212,8 triệu USD, tăng 42,4% về lượng và tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần thủy sản tính theo lượng của Việt Nam tại Úc tăng từ 12,09% trong 10 tháng năm 2020, lên 17,4% trong 10 tháng năm 2021. Trong đó, thị phần nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Úc tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Tôm đông lạnh (mã HS 030617) tăng từ 48,1% trong 10 tháng năm 2020 lên 67,1%; tôm chế biến không đựng trong hộp kín (mã HS 160521) tăng từ 55,1% lên 58,2%; thịt cá đông lạnh (mã HS 030499) tăng từ 18,1% lên 30%...

Năm 2022, giá toàn cầu mặt hàng này tăng lên trung bình 15 USD/kg, Việt Nam xuất khẩu cực nhiều  - Ảnh 3.

Nguồn: ITC

Năm 2022, giá toàn cầu mặt hàng này tăng lên trung bình 15 USD/kg, Việt Nam xuất khẩu cực nhiều  - Ảnh 4.

Việt Nam chiếm 12% thị phần trong tổng lượng xuất khẩu tôm của thế giới. Ảnh: CT

Giá tôm thế giới có thể tăng 7% lên trung bình 15 USD/kg

Trong báo cáo mới công bố, công ty phân tích thị trường IndexBox cho biết trong năm 2022, giá tôm thế giới có thể tăng 7% lên trung bình 15 USD/kg do nhu cầu tiêu thụ, chi phí vận chuyển và giá nhiên liệu đều leo thang. 

Dự đoán trên được đưa ra dựa theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Như vậy, giá tôm năm nay ước sẽ cao hơn so với mặt bằng chung năm 2021 là 12,7 USD/kg, đồng thời tăng 10% so với mức giá năm 2020.

SeafoodSource dẫn thông tin từ IndexBox cho biết, yếu tố chính thúc đẩy giá tôm năm 2022 tăng cao là chi phí logistics. 

Trong quý III/2021, chi phí vận chuyển một container loại 20 feet và 40 feet từ châu Á đến Bắc Mỹ đã lần lượt chạm mốc 13.000 USD và 20.000 USD, tăng 500 - 700% do tình trạng thiếu container rỗng, theo FAO.

Dù cước vận tải đắt đỏ, nhập khẩu tôm của Mỹ và châu Âu, Úc vẫn ở mức cao nhờ sự phục hồi của lĩnh vực khách sạn, bán lẻ và ăn uống.

Trước đó, năm 2020, lượng xuất khẩu tôm của thế giới đạt 3,3 triệu tấn, tương đương giá trị 24,5 tỷ USD - giảm 3,6% so với năm 2019.

Xét về khối lượng, Ecuador là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới năm 2020 với 692.000 tấn, Ấn Độ đứng thứ hai với 580.000 tấn. Riêng nguồn cung của hai quốc gia này chiếm 39% tổng lượng tôm xuất khẩu toàn cầu.

Việt Nam chiếm 12% thị phần, Indonesia chiếm 7,3% và Trung Quốc chiếm 4,9% trong tổng lượng xuất khẩu tôm của thế giới.

Xét về kim ngạch xuất khẩu, Ấn Độ đứng đầu với 4,3 tỷ USD, sau đó đến Ecuador với 3,9 tỷ USD và Việt Nam với 3,5 tỷ USD. Ba nước này đã chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu tôm thế giới.

Cũng trong năm 2020, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất với 749.000 tấn, sau đó đến Trung Quốc với 609.000 tấn, tổng cộng chiếm 44% lượng nhập khẩu tôm của thế giới. Nhật Bản nhập khẩu 212.000 tấn, chiếm 6,8%.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục