Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam

05/02/2022 13:36 GMT+7
Năm 2022, nhu cầu sắn của Trung Quốc vẫn ở mức rất cao. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của ta sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cơ quan Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng...

Trong tháng 01/2021, giá củ sắn tươi tiếp tục xu hướng tăng nhẹ tại Gia Lai, Quảng Ngãi do tình trạng thiếu nguyên liệu; trong khi giá giảm nhẹ tại Kon Tum, Bình Định do một số nhà máy tạm ngưng sản xuất, hoặc chạy cầm chừng trong bối cảnh xuất khẩu tinh bột sắn ngưng trệ. 

Do xuất khẩu biên mậu gặp khó khăn nên nhiều nhà máy tinh bột sắn chấp nhận bán giá thấp hàng tồn kho tại khu vực Hải Phòng, Lạng Sơn để quay vòng vốn. Giá mua sắn lát đưa về các kho khu vực phía Nam có xu hướng tăng do có thêm nhiều đơn vị mở kho mua hàng.

Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam - Ảnh 1.

Năm 2022, nhu cầu sắn của Trung Quốc vẫn ở mức rất cao.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của ta đạt 2,87 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so với năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2021 ở mức 409,8 USD/tấn, tăng 13,8% so với năm 2020. 

Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2021, sắn và sản phẩm từ sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá tăng trưởng so với năm 2020. Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2021 xuất khẩu đạt 850,5 nghìn tấn, trị giá 222,02 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và tăng 56,9% về trị giá so với năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân sắn năm 2021 ở mức 261 USD/tấn, tăng 19,8% so với năm 2020.

Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về thị trường xuất khẩu: Trong năm 2021, sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 98,4% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước. Năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang khu vực châu Á đạt 2,86 triệu tấn, trị giá 1,16 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 16,6% về trị giá so với năm 2020.

Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 93,6% về lượng và chiếm 92,9% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 2,69 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 18,5% về trị giá so với năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 ở mức 409 USD/tấn, tăng 13,9% so với năm 2020.

Về chủng loại xuất khẩu: Trong năm 2021, tinh bột sắn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 80,8% tổng trị giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, với 2,03 triệu tấn, trị giá 957,63 triệu USD, giảm 6,3% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,7% về lượng và chiếm 95,4% về trị giá trong tổng xuất khẩu tinh bột sắn của cả nước, với 1,94 triệu nghìn tấn, trị giá 913,37 triệu USD, giảm 5% về lượng, nhưng tăng 11,4% về trị giá so với năm 2020. 

Đáng chú ý, trong năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô có xu hướng tăng mạnh, với 858,88 nghìn tấn, trị giá 224 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 66% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 89,1% về lượng và chiếm 86,2% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn lát khô của cả nước, với 765,38 nghìn tấn, trị giá 193,03 triệu USD, tăng 54,1% về lượng và tăng 80% về trị giá so với năm 2020.

Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, nhu cầu sắn của Trung Quốc vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cơ quan Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022. Trung Quốc đã có những quy định mới khắt khe hơn áp dụng đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trung Quốc không chỉ yêu cầu về bao bì, mẫu mã, mà còn yêu cầu về nội dung hồ sơ.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, nhập khẩu 2 mặt hàng này của Trung Quốc đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 1,41 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 140,86 triệu USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 9,9% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 12,8% của cùng kỳ năm 2020. 

Tại thị trường Trung Quốc, sắn của Việt Nam phải cạnh tranh với sắn của Thái Lan và Indonesia. Nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 258,22 triệu USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 17% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 35,8% của 11 tháng năm 2020.

Năm 2022, Trung Quốc vẫn rất "khát" mặt hàng này của Việt Nam - Ảnh 6.

Nguồn: ITC, * số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trong bối cảnh xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang Trung Quốc ngày một khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm tới thị trường Hàn Quốc. Nhập khẩu sắn vào Hàn Quốc đã tăng mạnh trong năm 2021. Trong đó, Hàn Quốc đẩy mạnh mua sắn từ Việt Nam với khối lượng hàng chục nghìn tấn.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 11 tháng năm 2021, Hàn Quốc đã chi hơn 53 triệu USD để nhập khẩu sắn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Hàn Quốc. 11 tháng năm 2021, sắn Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc là hơn 42 nghìn tấn, tăng tới 56,8% so với 11 tháng năm 2020.

Với lượng nhập khẩu rất lớn như trên, sắn Việt Nam đang chiếm thị phần áp đảo trong tổng trị giá nhập khẩu sắn của Hàn Quốc (chiếm 79,1%), tăng mạnh so với mức 63,8% trong 11 tháng năm 2020. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn thứ 3 trên thế giới trong năm 2021, đứng sau Trung Quốc và Mỹ.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục