Ngân hàng thừa tiền vì "cạn" room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước vẫn "đứng ngoài"?

07/06/2022 11:43 GMT+7
Tại văn bản phát đi vào 26/5, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Ngân hàng thừa tiền vì "cạn" room tín dụng

Theo báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố của bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI cho thấy, tín dụng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm.

Ngân hàng thừa tiền vì "cạn" room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước vẫn "đứng ngoài"? - Ảnh 1.

Tín dụng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 tăng 8,03% so với cuối 2021, và tăng 16,9% so với cùng kỳ, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.

"Tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại đã gần chạm mức trần tín dụng. Điều này khiến dòng vốn khó có thể đẩy ra ngoài trong tuần qua và đã giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản", bộ phận nghiên cứu SSI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, thực tế thanh khoản dồi dào trong thời gian này tương đối quan trong, khi không những giúp lãi suất liên ngân hàng giảm xuống ở mức thấp, và giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, điều này còn giúp tỷ giá có thể ổn định hơn khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ bán USD (hút VND) nhằm cải thiện nguồn cung USD trong nước.

Đề cập trong báo cáo vĩ mô vừa cập nhật, các chuyên gia tại Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, việc các ngân hàng thương mại đều đã hết room tín dụng trong khi Ngân hàng nhà nước vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5/2022.

Diễn biến này đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40 nghìn tỷ (tương đương số vốn 2 triệu tỷ lãi suất thấp) đã chính thức được thông qua trong tháng 5 vừa qua và đã được Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai thực hiện với các ngân hàng thương mại. Bộ phận nghiên cứu tại BVSC kỳ vọng, trong nửa sau của năm, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, gói cấp bù lãi suất này sẽ là động lực giúp tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Ngân hàng thừa tiền vì "cạn" room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước vẫn "đứng ngoài"? - Ảnh 2.

Các ngân hàng thương mại đều đã hết room tín dụng trong khi Ngân hàng nhà nước vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5. (Ảnh: TN)

Ngân hàng "cạn" room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước biết nhưng...

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cũng đã chỉ ra rằng, nền kinh tế bước đầu phục hồi, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, là nguyên nhân kéo tín dụng tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm nay.

Điều đáng nói, việc tín dụng tăng cao, giới hạn tín dụng sắp hết nên cần nới room tín dụng vì nếu không sẽ khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, với áp lực lạm phát trên thế giới tăng cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới tăng trưởng tín dụng vì điều này có thể sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong nước – theo ông Hùng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý thêm, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát. Do đó, dù biết rất rõ tình hình các tổ chức tín dụng gặp khó về room tín dụng nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc rất cẩn trọng, để có giải pháp phù hợp nhất.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, vì vậy việc nới room chắc chắn không đều. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các tổ chức tín dụng về an toàn vốn.

Chẳng hạn, Thông tư 22 quy định bên cạnh việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% kể từ 1/10/2022, do đó ngân hàng nào không đạt yêu cầu, sẽ khó có cơ hội được nới room – ông Hùng dẫn chứng.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, tại văn bản phát đi vào 26/5, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội phục vụ cho phiên chất vấn vào ngày 8 – 9/6 tới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng được thực hiện theo nguyên tắc, tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Qua đó, thúc đẩy tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục