Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng
Tham luận gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 21/2, Nhóm công tác ngân hàng của VBF đánh giá, trong làn sóng Covid-19 lần 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, đạt được GDP cả năm tăng 2,58%, duy trì vị thế tốt thu hút FDI và kỳ vọng kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022.
Đặc biệt, NHNN đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch như: miễn giảm phí, lãi ngân hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Mặc dù vậy, nhóm công tác ngân hàng mong nhận được phản hồi và chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN trong vấn đề Truy thu hồi tố thuế GTGT đối với phí Thư tín dụng (L/C). Chúng tôi ủng hộ quan điểm của NHNN và đề xuất không truy thu hồi tố thuế GTGT trong giai đoạn 10 năm để tháo gỡ các khó khăn, gánh nặng thuế.
Bên cạnh đó, VBF đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) khi cần thiết.
Được biết, năm 2021, tín dụng tăng trưởng 13,53%. Trong năm nay 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tương đương năm 2021. Tuy nhiên, với chương trình hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch, đặc biệt là gói cấp bù lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ cho 2 năm 2022-2023, các chuyên gia Chứng khoán BVSC đánh giá tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15%.
Tính đến 28/1/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi đạt mức 2,74% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay.
Loạt kiến nghị thúc đẩy chuyển đổi số
Đề cập đến vai trò của chuyển đổi số, VBF đưa ra nhận định: Chuyển đổi số được coi là "vaccine" và động lực giúp các ngành kinh tế vượt qua đại dịch một cách hiệu quả hơn và ngành tài chính ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt kiến tạo hệ sinh thái số về tài chính toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.
"Chúng tôi đánh giá cao định hướng chuyển đổi số của Chính phủ cũng như việc NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 với các định hướng mục tiêu và giải pháp cụ thể", nhóm công tác VBF nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tiễn chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và các lĩnh vực khác vẫn còn gặp một vài thách thức như thiếu đồng bộ của các quy định pháp lý liên quan, chuẩn hoá các cơ sở hạ tầng để hình thành hệ sinh thái số; thách thức về thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng; đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số.
Từ thực tiễn, VBF kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) cho phép áp dụng các sản phẩm quản lý dòng tiền – kết chuyển tiền mặt hữu hình tại Việt Nam.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử mới, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, ban hành Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng để đưa ra những chỉ dẫn phù hợp, cụ thể hơn.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có cơ chế phân cấp chia sẻ thông tin, cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.