Ngành cá tra đang đuối sức, tồn đọng, xuất khẩu sụt giảm: Chuyên gia hiến kế giải pháp
Chuỗi ngành cá tra đang đuối sức
Lãnh đạo Tổng Cục Thủy sản cho biết, nửa đầu tháng 9/2021 sản lượng thu hoạch cá tra giảm tới 77% so với cùng kỳ. Điều này khiến lượng cá tra đang tồn đọng rất lớn. Hiện giá cá tra nguyên liệu đang sụt mạnh, chỉ ở quanh mức 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Tình hình dịch bệnh khiến các nhà máy sản xuất cá tra lớn tại các vùng trọng điểm như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long hiện phải tạm dừng. Số còn lại hoạt động công suất cũng chỉ đạt khoảng 30-40%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2021 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng trước đó. Theo nhận định, trong tháng 9 này, kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn có thể giảm trên 30%.
Dự kiến bước vào tháng 10, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành... cũng là trở ngại lớn để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại.
Hiện chuỗi ngành hàng cá tra đã đuối sức. Doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất đội lên cao, vật tư đầu vào, giá ước vận tải đều tăng mạnh. Đặc biệt, DN thiếu nguyên liệu chế biến, thiếu lao động để duy trì sản xuất và tăng công suất.
Theo các chuyên gia, hiện đã là cuối quý III, nếu không nhanh phục hồi sản xuất sẽ không kịp phục vụ cho các đơn hàng cuối năm.
Cần có "kim chỉ nam" cho ngành cá tra
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vắc xin đang là mấu chốt để doanh nghiệp có thể quay trở lại hoạt động. Hiện nay, vắc xin không được phân bổ đều, chi phí xét nghiệm Covid-19 lại quá lớn khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn tái sản xuất, không dám nhận những đơn hàng mới cho dịp cuối năm nay và đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, việc huy động lao động quay lại làm việc cũng là vấn đề nan giải…
Theo đề xuất của VASEP, cần có bộ quy tắc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản để làm "kim chỉ nam" trong thực hiện phục hồi sản xuất.
Cần có quy định thống nhất rõ ràng về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại, ứng phó với sự cố khi có ca F0, quy định cụ thể với người tiêm 1 mũi, 2 mũi và cần phủ vắc xin gấp cho công nhân ngàng cá tra.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, từ năm 2019 đến nay, giá cá tra dao động ở mức thấp kéo dài nên người nuôi đã thấm mệt. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng rất khó bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, một số nhà máy duy trì hoạt động “3 tại chỗ” nhưng chi phí cao và nhiều rủi ro nên không hiệu quả.
Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL rất mong Bộ Y tế phân bổ vắc xin nhiều hơn để đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa nhằm khôi phục sản xuất, chế biến theo tình hình mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, giãn nợ… giúp ngành cá tra sớm khôi phục, nhất là những tháng cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các tỉnh ĐBSCL cần tháo gỡ khó khăn cho công nhân vận chuyển, thu hoạch cá tra được đi liên tỉnh. Bởi, vùng nguyên liệu nằm ở nhiều tỉnh nhưng do phòng chống dịch nên công nhân không thể sang tỉnh khác thu hoạch, khiến cá tra bị tồn đọng nhiều…
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng, trong quá trình mở rộng sản xuất, vấn đề cần quan tâm là nếu nhà máy chế biến xuất hiện ca F0 thì cần có cách ứng phó phù hợp, mà không phải phong tỏa toàn bộ. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng dây chuyền hợp lý, thiết kế phương án sản xuất tối ưu nhất nhằm xử lý nhanh, phạm vi hẹp, nếu trường hợp xảy ra dịch…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường liên kết vùng để phát triển ngành cá tra, bởi một nhà máy ở tỉnh này nhưng họ xây dựng vùng nuôi ở tỉnh khác và có thể thu mua, vận chuyển liên tỉnh với nhau. Vì vậy, các địa phương cần nhìn chung một hướng, cùng liên kết từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; đặc biệt các doanh nghiệp cùng đồng thuận là rất quan trọng để đưa ngành cá tra tiến xa hơn.