Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 "ăn" gạo Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021 xuất khẩu gạo tăng nhẹ 7,4% về lượng và tăng 1,3% kim ngạch so với tháng 7/2021, nhưng giá vẫn tiếp tục giảm 5,6%, đạt 499.033 tấn, tương đương 243,31 triệu USD, giá trung bình 487,6 USD/tấn, So với tháng 8/2020 thì giảm cả về lượng, kim ngạch và giá với mức giảm tương ứng 17,4%, 19,9% và 3%.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng trưởng tốt nhất
Trong tháng 8/2021 nhóm thị trường chủ đạo nhìn chung tăng trưởng tốt so với tháng 7/2021 như: Xuất khẩu sang Philippines tăng 55% cả về lượng và kim ngạch, đạt 274.599 tấn, tương đương 133,5 triệu USD; Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 45,6% về lượng và tăng 28,9% kim ngạch, đạt 91.010 tấn, tương đương 38,13 triệu USD; Xuất khẩu sang Malaysia tăng 94,6% về lượng và tăng 87% kim ngạch, đạt 30.295 tấn, tương đương 13,57 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ biển Ngà sụt giảm rất mạnh so với tháng 7/2021, giảm 99% cả về lượng và kim ngạch, đạt 750 tấn, tương đương 403.349 USD.
Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,99 triệu tấn, tương đương gần 2,13 tỷ USD, giá trung bình đạt 534 USD/tấn, giảm 13,4% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020, giảm 5,5% về kim ngạch, nhưng giá tăng 9,2%.
Philippines đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38% trong tổng lượng và kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 1,54 triệu tấn, tương đương 798,26 triệu USD, giá trung bình 517,2 USD/tấn, giảm 10% về lượng, nhưng tăng nhẹ 0,1% về kim ngạch và tăng 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2, tăng trưởng tốt 36,9% về lượng, tăng 18,7% về kim ngạch nhưng giá xuất khẩu lại giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 733.862 tấn, tương đương 376,14 triệu USD, giá trung bình 512,6 USD/tấn; chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp sau đó là thị trường Ghana đạt 406.808 tấn, tương đương 239,81 triệu USD, giá 589,5 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 13,2%, 27,8% và 12,9% so với cùng kỳ, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Trung Quốc được dự báo sẽ lấy lại vị thế nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới
Thứ tự các thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới đang có sự thay đổi. Năm 2021, Trung Quốc được dự báo sẽ lấy lại vị thế nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới bởi Philippines sẽ giảm nhập khẩu gạo trong năm nay nhờ sản lượng trong nước tăng.
Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm 10% so với năm 2020, và thấp hơn con số 2,6 triệu tấn dự báo trước đây.
Theo USDA, sản lượng và tiêu thụ gạo thế giới sẽ tăng, chủ yếu do sản lượng của Indonesia, Philippines và Sri Lanka được mùa, và tiêu thụ ở Trung Quốc tăng. Do đó, Philippines sẽ không còn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới – vị trí nước này đã nắm giữ suốt 2 năm qua, kể từ khi tự do hóa ngành lúa gạo, theo đó mở cửa thị trường cho nhập khẩu nhiều gạo hơn trước.
Dự kiến Trung Quốc sẽ mua 2,8 triệu tấn gạo từ nước ngoài trong năm nay do sản lượng trong nước giảm.
Trái lại, sản lượng của Philippines dự báo sẽ tăng lên 12,2 triệu tấn, từ mức 11,9 triệu tấn của vụ trước, nhờ diện tích và năng suất đều tăng. Đây là kết quả của việc Bộ Nông nghiệp nước này thực hiện các chương trình thúc đẩy sản xuất như cung cấp hạt giống chất lượng, cung cấp máy móc, tín dụng nông nghiệp và khuyến nông thông qua Quỹ Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành gạo.
Mặt khác, USDA cho rằng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam cao cũng làm cho Philippines hạn chế mua vào.
Việt Nam và Thái Lan là những nhà cung cấp gạo chủ chốt cho Philippines bởi gần về mặt địa lý và giá cả những năm qua thường cạnh tranh hơn so với những xuất xứ khác. Tuy nhiên, cả hai nước đều trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái, khiến cho nguồn cung gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng, tác động kéo dài tới cả năm 2021.
Hiện giá gạo nguyên liệu và thành phẩm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. Giá gạo IR NL 504 tăng lên 7.800-7.850 đồng/kg; gạo TP IR 504 tăng lên 8.850-8.900 đồng/kg; tấm 1 IR 504 7.300-7.400 đồng/kg. Cám vàng 6.600 đồng/kg.
Tại thị trường An Giang thời điểm cuối tuần này, các loại lúa gạo nhìn chung ổn định. Lúa OM 9582 4.800-4.900 đồng/kg; Giá lúa đài thơm 8 5.600-5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 5.000- 5.200; lúa nàng hoa 6.000-6.100 đồng/kg. Lúa Nhật 7.500-7.600 đồng/kg. Gạo sóc Thái 18.000 đồng/kg. Gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg. Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg. Gạo Nhật 19.000 đồng/kg. Gạo thơm thái hạt 17.000-18.000 đồng/kg.
Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu 2021 các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 1,509 triệu ha. Đến nay, các tỉnh, thành đã thu hoạch được 1,38 triệu ha với năng suất 5,7 tấn/ha. Sản lượng ước đạt 7,87 triệu tấn. Diện tích còn lại của vụ Hè Thu chỉ khoảng 128.000ha và dự kiến từ nay đến đầu tháng 10 sẽ thu hoạch xong.