Ngành du lịch Á - Âu thêm lao đao khi số ca nhiễm virus corona vượt quá 100.000
Hàng ngàn người hủy chuyến đi đến châu Âu chỉ trong vài ngày ngay sau khi tin dịch virus corona lan mạnh ở Ý khiến doanh thu khách sạn, nhà hàngvà tổ chức hội nghị ngày càng chững lại. Những ngành dịch vụ này là ngành chính đóng góp vào GDP của nhiều vùng ở châu Âu, vì thế chuyên gia dự đoán điều này chắc chắn tác động xấu đến GDP châu Âu.
Dịch bệnh đang lấy đi của ngành du lịch châu Âu 1 tỷ EUR mỗi tháng, theo Thierry Breton, cao ủy thị trường nội địa EU. Ngày càng có nhiều người từ bỏ việc du lịch ở thời điểm này. 1/3 khách sạn và nhà hàng thành viên hiệp hội Khách sạn Nhà hàng Độc lập Pháp chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái, trước đó ngành dịch vụ Pháp đã chịu ảnh hưởng từ hàng loạt hỗn loạn xã hội.
Ở Pháp, nhiều quán cafe và nightclub giảm 40% doanh thu. Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đang khuyến cáo người dân không đi du lịch đến phía Bắc Ý. Cảnh báo này không chỉ khiến du lịch Ý chững lại, mà còn cả nền kinh tế nước này. Bùng nổ dịch virus corona cũng xảy đến ở thời điểm nhạy cảm khi các hãng du lịch lên kế hoạch đón khách vào mùa xuân và hạ, bao gồm giới mộ đạo đến tòa thánh Vatican cho cả tuần Lễ Phục sinh, và du khách từ Mỹ cũng như châu Á cho mùa du lịch sắp tới. Các chuyến bay đến châu Âu giảm 79% so với cùng kì năm ngoái.
Khủng hoảng ở châu Âu vẫn đang tăng mạnh: kể từ bùng nổ dịch bệnh ở Ý, các điểm đến nổi tiếng ngày càng vắng vẻ. Ở Venice và Milan, các bảo tàng, rạp hát và địa điểm danh tiếng buộc phải đóng cửa, các sự kiện văn hóa lớn đều bị hủy. Ở Pháp, bảo tàng danh tiếng Louvre đóng cửa bởi nhân viên không thể đi làm do sợ lây nhiễm.
Trong khi đó ở Đức, sau khi Hội chợ Du lịch Quốc tế bị hủy bỏ, nhiều người bắt đầu lo ngại hệ quả tới ngành du lịch Đức khi du khách châu Á hủy bỏ các kế hoạch du lịch của mình. Ngành du lịch Đức ước tính khách du lịch từ Trung Quốc giảm giữa 17-25%. Do đây là nhóm khách đóng góp to lớn cho doanh thu (khoảng 8 tỷ EUR/năm), đây có thể là một đòn khác giáng vào kinh tế Đức.
Tình hình ở châu Á thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Với 150 triệu chuyến đi du lịch của du khách Trung Quốc, có tới 90% chọn đến các quốc gia châu Á. Khách du lịch Trung Quốc trở thành nhân tố quyết định nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bởi hầu hết các hãng hàng không tiếp tục ngừng khai thác đường bay tới Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc không có nhiều lựa chọn đi du lịch nước ngoài.
Đảo Bali nổi tiếng của Indonesia công bố 40.000 đặt phòng khách sạn đã bị hủy bỏ. Nhật Bản thậm chí còn chịu tác động nặng nề hơn, do khách du lịch từ Trung Quốc chiếm đến 1/4 trong số 32 triệu khách du lịch quốc tế hàng năm. Nhiều điểm đến nổi tiếng của Nhật hiện nay chỉ có khách du lịch từ châu Âu và Bắc Mỹ - dù hiện nay do tình hình phức tạp và lây lan nhanh của dịch bệnh, khả năng khách du lịch các quốc gia này ngừng di chuyển cũng là điều có thể đoán trước.
Các quốc gia khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia và Việt Nam cũng chịu khủng hoảng, nhất là các cửa hàng dịch vụ, khách sạn, và công ty khai thác tour đã bị buộc phải đóng cửa ở các quốc gia này. Ngành du lịch Thái Lan ước tính giảm 6 triệu khách trong năm nay, ít hơn 16% so với năm ngoái.
Ở Trung Quốc, ngành du lịch đã chững lại trong nhiều tháng, các điểm đến nổi tiếng như Tử Cấm Thành hay Vạn lý trường thành đều bị đóng cửa, hàng không nội địa hầu như đóng băng. Đặc biệt, do Tết nguyên đán là mùa du lịch ở Trung Quốc.
Dịch virus corona là một cú hích giúp phản ánh tầm quan trọng của Trung Quốc với ngành du lịch toàn cầu. Mỗi năm có đến 150 triệu khách du lịch Trung Quốc đi ra nước ngoài và đóng góp 277 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài được dự đoán tăng lên đến 400 triệu người một năm, tương đương với 1/5 lượng khách du lịch toàn cầu, và theo chuyên gia, tăng trưởng du lịch Trung Quốc có thể không bị ngăn cản hoàn toàn do dịch bệnh.