Ngành nông nghiệp cần làm gì để tận dụng lợi thế từ EVFTA?
EU là một trong 2 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch trên 4 tỷ USD năm 2019, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Khi EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng trưởng.
Việt Nam và EU có hai ngành nông nghiệp bổ trợ cho nhau. Việt Nam xuất sang thị trường EU các mặt hàng cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, tiêu, điều, cao su tự nhiên, rau quả… Trong khi đó, EU là một trong những thị trường chính mà Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, sữa và sản phẩm sữa, các sản phẩm chăn nuôi...
Mặc dù vậy, sau khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với những thách thức lớn buộc phải thích ứng để không thất thế trên sân nhà.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 ngày 15/9, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ rõ những giải pháp để tháo gỡ nút thắt này.
Sau hơn 10 năm, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018 đã có những thành công nhất định, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều những cuộc giải cứu nông sản. Theo Bộ trưởng, đâu là vấn đề sắp tới cần phải làm để khắc phục?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong 3 khâu quan trọng của tổ chức sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó có chăn nuôi nói riêng thì chúng ta mới làm tốt khâu tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, còn chế biến, thương mại thì chưa đồng bộ, chưa tốt ở tất cả các mũi hàng lớn. Sản xuất phát triển nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp, giá cả tiêu thụ bấp bênh, tăng lên một tí thì thừa mà co lại thì thiếu.
Để thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn mới, tới đây chúng ta phải giải quyết được nút thắt này. Muốn vậy phải tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, liên hoàn khép kín chuỗi từ sản xuất, chế biến tới thương mại.
Trong đó thương mại phải tấn công cả 2 mũi nội địa và xuất khẩu. Lấy thị trường xuất khẩu làm động lực và áp lực thúc đẩy sản xuất nông sản.
Vấn đề này không chỉ riêng một ngành hàng nào trong lĩnh vực chăn nuôi, mà ngành nào cũng vậy thôi. Đó là nguyên tắc của tổ chức sản xuất, tạo bước phát triển nhanh nhưng bền vững, hiệu quả.
Việt Nam không có nhiều đất đai rộng lớn để tăng hơn nữa về quy mô, sản lượng, chỉ có cách đầu tư chất lượng. Cụ thể là xây dựng chuỗi giá trị dài hơn, liên hoàn, chú trọng chế biến, thương mại…
Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển, một loạt các FTA đã được ký kết, mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn và cần chất lượng cao. Vậy để đáp ứng được những tiêu chuẩn như thế, nưới ta cần phải thay đổi cơ cấu ngành hàng như thế nào để tận dụng được những lợi thế và tăng khả năng cạnh tranh, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thứ nhất, để tận dụng được cơ hội từ hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, cần xác định ngành nông nghiệp có lợi thế trên 3 trụ cột. Một là, thương mại xuất khẩu về nông sản, chúng ta có một số những nhóm ngành hàng đang có lợi thế. Hai là, trong việc hợp tác, tiếp thu các công nghệ (đặc biệt là công nghệ chế biến) của khu vực châu Âu. Ba là, hai bên sẽ có lợi thế nâng cao năng lực quản lý thông qua các quy chuẩn, thông qua việc đào tạo nhân lực, kỹ năng phát triển.
Với 3 trụ cột lợi thế đó, trước hết về xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và bà con nông dân ngay từ những thời gian trước khi hiệp định có hiệu lực.
Theo đó, chúng ta đã chuẩn bị rất tích cực bao gồm tái cơ cấu các ngành hàng, theo hướng tập trung hàng hóa từ khâu nguyên liệu, sản xuất chế biến và đặc biệt là khâu bao bì mẫu mã xuất khẩu. Chính vì thế, khi hiệp định có hiệu lực, có thể dự báo đến cuối tháng 8, xuất khẩu nông nghiệp tăng trưởng 15-17% so với tháng 7.
Tôi cho rằng, đây là một việc chúng ta đã đón bắt được thời cơ.
Hai là, chúng ta xác định một số nhóm ngành hàng đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, cây công nghiệp. Đối với những nhóm ngành hàng này, chúng ta tập trung đẩy nhanh hơn công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị rất kỹ về kỹ năng thương mại.
Song song với đó, chúng ta phải chú ý đến dài hạn, tính căn cơ bền vững. Không gì bằng tái cơ cấu lại, hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và đảm bảo liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông dân để hình thành quy trình khép kín. Từ đó đảm bảo truy suất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và tận dụng tốt thị trường này.
Thông qua thị trường châu Âu, chúng ta không chỉ khai thác tuyệt đối giá trị xuất khẩu mà còn làm chứng chỉ chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ có thể đi bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Hiệp định EVFTA được thông qua đã tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành, thế những thách thức cũng không ít. Vậy, theo Bộ trưởng làm thế nào để chiến lược phát triển chăn nuôi tạo đột phá cho phát triển ngành?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn tới là thúc đẩy lên giai đoạn cao hơn, trong đó có nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu, nhằm 2 mục đích: Tăng giá trị sản xuất nông sản Việt Nam, song song đó là hoàn thiện thể chế. Bởi muốn xuất khẩu được thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, có đẳng cấp về quản trị. Việc này khó nhưng chúng ta buộc phải nâng cao, hoàn thiện tất cả các công đoạn sản xuất.
thời gian qua chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đáp ứng cho việc hội nhập này. Tới đây, trong tháng 10 chúng ta sẽ khánh thành nhà máy xuất khẩu thịt gà công suất 100 triệu con. Để có nhà máy này, phải có chuỗi đi kèm gồm 5 tổ hợp nhà máy sản xuất trứng, con giống, thức ăn, khu vực chăn nuôi của người dân, nhà máy chế biến và nhà máy phân bón hữu cơ.
Cùng với đó là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tổ chức xúc tiến thương mại tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu…
Ví dụ như đối với sản phẩm sữa, đang còn rất nhiều tiềm năng, dư địa phát triển tốt. Hiện nay sản lượng sữa của Việt Nam mới đạt 1 triệu tấn, bình quân tiêu thụ sữa trên đầu người mới đạt 20kg/năm, trong khi thế giới là 80kg/người/năm.
Thành công nhất của ngành sữa trong thời gian qua là các doanh nghiệp đã mở được nhiều thị trường khắt khe như Mỹ, Hàn Quốc... Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường lớn, 1 năm tiêu thụ tới 120 tỉ USD tiền sữa mà chúng ta cũng đã vào được chính ngạch.
Hiện đàn bò sữa cả nước đạt 400.000 con, năng suất sản lượng sữa rất khá. Đó là những cơ sở để chúng ta xây dựng một chiến lược mới bắt nguồn từ thực tiễn, từ khát vọng.
Từ nay tới cuối năm, Bộ NN&PTNT có những kế hoạch nào để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra của năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Từ nay đến cuối năm để đảm bảo cho mục tiêu chung, không chỉ trong năm 2020 mà còn trong thời gian tới, bên cạnh 2 chương trình bao trùm là mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu chung, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các hoạt động thúc đẩy.
Sắp tới sẽ có 10-12 dự án lớn sẽ được khánh thành và khởi công. Trong đó tập trung nhiều vào mảng chúng ta yếu nhất hiện nay là chế biến nông sản. Chẳng hạn, tháng 10 tới sẽ khánh thành một nhà máy chế biến thủy sản để thúc đẩy ngành thủy sản nhanh hơn, đây cũng là một chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam, thể hiện việc "win-win" trong thực hiện hiệp định Thương mại tự do giữa hai bên.
Tiếp đó là khánh thành nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu có công suất lớn nhất tại Bình Phước; khởi công nhà máy chế biến rau quả, chế biến dược liệu tại Sơn La.
Đặc biệt, tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk, cùng với đó sẽ đánh giá lại 5 năm phát triển cây mắc ca; khởi công một dự án phát triển đàn lợn ứng dụng công nghệ cao lớn nhất tại Tây Nguyên. Đây cũng là dự án xây dựng đàn lợn giống hạt nhân, nhập khẩu đàn lợn cụ kị, ông bà từ châu Âu nhằm phục vụ chiến lược phát triển chăn nuôi trong dài hạn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!