"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh và khát vọng tồn tại mãi trên khắp thế giới

16/09/2020 06:30 GMT+7
“Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới” – đó là khát vọng mà "Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh mong muốn khi sáng lập công ty thủy sản lớn nhất Việt Nam.

Mới đây, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện mà Forbes bình chọn đều đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong đó, Việt Nam vinh dự khi có 2 đại diện góp mặt là bà Trương Thị Lệ Khanh – nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail.

Nói về nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh người ta sẽ không ngần ngại đặt cho bà danh xưng "Nữ hoàng cá tra" với khát vọng đưa Vĩnh Hoàn ra khơi và tồn tại, phát triển mãi mãi.

Nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cùng hành trình đưa Vĩnh Hoàn vươn ra biển lớn - Ảnh 1.

Nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh – nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.

Chìa khóa thành công của nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh

Sinh ra ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang), có lẽ cái duyên với ngành thủy sản đã gắn với bà Trương Thị Lệ Khanh từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, nữ doanh nhân sinh năm 1961 làm việc cho một công ty xuất khẩu thủy sản tại An Giang.

Qua thời gian làm việc, bà Trương Thị Lệ Khanh có thêm kinh nghiệm và am hiểu về ngành thủy sản nhiều hơn. Tháng 12/1997, xuất phát điểm với 70 công nhân cùng số vốn 70 triệu đồng và nhà máy thuê lại của Công ty Sa Giang, bà Khanh quyết định thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn) tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Lúc đầu, phương thức kinh doanh của Vĩnh Hoàn là gia công xuất khẩu. Chỉ sau 2 năm, bà Trương Thị Lệ Khanh đã cho thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh và thành lập cơ sở chế biến của riêng mình. Cho tới năm 2007, Vĩnh Hoàn đã chuyển đổi mô hình sang Công ty cổ phần. Cùng năm đó, công ty chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao thịch Chứng khoán TP HCM.

"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh cũng không ngần ngại thừa thận yếu tố quyết định thành công của bà và Vĩnh Hoàn là thiên thời và địa lợi. Nhắc lại năm 1995, khi lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam được gỡ bỏ khiến đầu ra cho ngành cá được khơi thông, kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Sự kiện này khiến "Công việc kinh doanh lúc đó luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu. Tôi cho rằng thiên thời địa lợi là yếu tố may mắn cho việc khởi nghiệp của mình", bà chủ Vĩnh Hoàn chia sẻ.

Nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cùng hành trình đưa Vĩnh Hoàn vươn ra biển lớn - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh hiện là công ty thủy sản lớn nhất Việt Nam theo giá trị vốn hóa thị trường.

Hồi tưởng lại thời kỳ hoàng kim của cá tra vào giai đoạn 2000 – 2006, bà Trương Thị Lệ Khanh cho hay, "thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất cho dù nhiều doanh nghiệp ra đời". Những năm đó, Vĩnh Hoàn không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như Thủy sản Nam Việt. "Còn tôi là phụ nữ nên có phần cẩn trọng, trong một số tình huống không dám liều", bà trải lòng.

Nhưng chính nhờ sự cẩn trọng của mình, giờ đây nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh đã trở thành người đứng đầu của một doanh nghiệp ngành thủy sản lớn nhất Việt Nam theo giá trị vốn hóa thị trường. Hiện Vĩnh Hoàn đang phát triển với hơn 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến thủy sản.

"Át chủ bài" C&G chinh phục khát vọng ra khơi của "Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh

Tâm sự về khát vọng những ngày đầu thành lập Vĩnh Hoàn, nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh cho biết, "Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi. Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới".

Từng có một bài báo mang tên "Xin lỗi cá tra!" do nghị sĩ Struan Stevenson, Phó Chủ tịch Ủy ban Thủy sản của Nghị viện Châu Âu viết: "Nhà máy lớn của Vĩnh Hoàn ở Cao Lãnh sạch đến mức bạn có thể dọn bữa ăn ngay trên sàn nhà. Nói thế có vẻ sáo, nhưng là hoàn toàn chính xác!". Qua chuyến thăm nhà máy của Vĩnh Hoàn, vị nghị sĩ này đã phải thay đổi định kiến của mình khi cho rằng các nhà máy chế biến cực kỳ bẩn, mất vệ sinh và gây ô nhiễm.

Năm 2018, Vĩnh Hoàn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD và tiếp tục giữ vững top 1 trong ngành cá tra từ năm 2009 đến nay. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đạt 9.323 tỷ đồng doanh thu và 1.425 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2018, tăng gấp đôi so với 2017.

Dù yếu tố thiên thời, địa lời và sự cẩn trọng có giúp ích cho bà Trương Thị Lệ Khanh trong thời kỳ lập nghiệp nhưng giai đoạn trầm lắng và khó khăn sẽ luôn rình rập doanh nghiệp của bà bất cứ lúc nào. Quý IV/2019 đã chứng kiến sự lao dốc mạnh của Vĩnh Hoàn trong hầu hết chỉ số kinh. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng của công ty "bốc hơi" hơn 50% so với cùng kỳ. Tình trạng kinh doanh sa sút được cho là do giá bán giảm.

Bước sang năm 2020, tình hình dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản. Tuy nhiên, "Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh lại kỳ vọng vào vũ khí đáng gờm của mình là Collagen và gelatin (C&G). Đây là những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố kỳ vọng sẽ kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn.

Nhận định về "át chủ bài" C&G, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn cho hay, "Sản phẩm này đang phát triển tốt, hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, kỳ vòng tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn".

Theo đó, quý I/2020 ghi nhận doanh số mảng C&G tăng 31%, trong đó dịch Covid-19 phần lớn ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của mảng C&G sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng công suất C&G mới của Vĩnh Hoàn (tương ứng 75% công suất hiện tại) đang đi đúng tiến độ nhằm hoạt động vào tháng 8/2020. Theo đó, doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh kỳ vọng cả doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng 50% trong năm nay, so với mức đóng góp lần lượt 8% doanh thu và 20% lợi nhuận ròng vào năm 2019.

Không chỉ vậy, Vĩnh Hoàn cũng đặt kế hoạch chi tiêu vốn xây dựng cơ bản khoảng 580 tỷ đồng để mở rộng công suất mảng C&G, công suất kho lạnh mới, khu vực nuôi trồng mới và dây chuyền sản xuất dầu cá mới với tổng công suất khoảng 100 tấn/ngày.

Được biết, đây là công ty duy nhất tại Việt nam ứng dụng công nghệ cao phát triển thành công các sản phẩm này. Hơn nữa, C&G cũng là mảng mang lại tăng trưởng lợi nhuận cao cho Vĩnh Hoàn khi tăng trưởng doanh thu suy giảm mạnh.

"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh từng chia sẻ, "phải vượt qua khó khăn chứ không phải ngồi than vãn". Với sự cẩn trọng của mình trong từng quyết định, bà Khanh mong muốn đưa Vĩnh Hoàn trở thành một công ty đa quốc gia với tham vọng "không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao đó để Vĩnh Hoàn có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia".

Phương Thảo
Cùng chuyên mục