Ngày mai, đập Tam Hiệp hứng chịu đỉnh lũ lịch sử?
Tại con đập thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp, lượng nước chảy vào hôm 20/8 đã lên tới 75.000m3/s. Chính phủ Bắc Kinh dự báo đập sẽ chứng kiến đỉnh lũ 165m vào ngày mai 22/8 khi mưa lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử tiếp tục tiếp sức cho dòng chảy lũ đổ về đập.
Để giảm áp lực cho con đập, đến hôm qua, 11 cửa xả lũ đã được mở, tăng thêm 1 cửa so với 1 ngày trước đó. Lưu lượng xả lũ đạt mức kỷ lục 49.000m3/s. Trong khi các tỉnh thượng nguồn sông Dương Tử đối mặt với lũ lụt kinh hoàng do mưa lớn kéo dài, các tỉnh hạ nguồn phải hứng chịu lượng nước xả lũ chưa từng có từ đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp có chiều cao 186m, hoàn thành vào tháng 5/2006 với mực nước tối đa trong mức an toàn là 175m. Nếu mực nước trong hồ dâng lên đỉnh kỷ lục 165m vào ngày mai như dự báo của Bắc Kinh, điều này nghĩa là nó chỉ còn cách 10m so với mực nước an toàn tối đa mà đập Tam Hiệp chịu đựng được.
Hôm 20/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến năm Tongnan, một huyện chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt tại Trùng Khánh, phía Tây nam Trung Quốc, nằm dọc sông Dương Tử. Ông kêu gọi người dân chung ta khắc phục thảm họa thiên nhiên đang gây hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc, đồng thời nhắn nhủ: “Nếu có khó khăn gì, xin hãy lên tiếng”.
Trận lũ lụt được ví như “đại hồng thủy” chưa từng có trong 4 thập kỷ đang nhấn chìm nhiều khu vực tại siêu đô thị Trùng Khánh. Ước tính với tới 260.000 người dân Trùng Khánh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lũ lụt và khoảng hơn 20.000 cửa hàng bị hư hại. Nhiều con đường dọc sông ngập hoàn toàn, một số doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trong chuyến thăm Trùng Khánh, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính phủ Bắc Kinh sẽ nhanh chóng hành động để giúp đỡ những người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại từ lũ lụt, đồng thời tăng cường công tác giám sát đập và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tại tỉnh Tứ Xuyên lân cận, ước tính 3,41 triệu người tại 20 thành phố và quận tự trị bao gồm Thành Đô, Lạc Sơn đang hứng chịu tác động trực tiếp của lũ lụt. Thiệt hại kinh tế trực tiếp bao gồm cơ sở vật chất và mùa màng hiện đã lên tới 16,4 tỷ nhân dân tệ (2,37 tỷ USD).
Tỉnh Cam Túc phía Tây lân cận Tứ Xuyên cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với ước tính 120.000 người dân chịu tác động, thiệt hại khoảng 300 triệu NDT.
Lũ lụt chưa từng có đang làm gián đoạn hoạt động của nhiều công ty, doanh nghiệp dọc sông Dương Tử, đặc biệt là các công ty Nhật Bản. Đại diện của công ty hậu cần Nippon Express cho biết: “Vận tải đường thủy đã bị tạm đình trệ trên một số tuyến sông Dương Tử. Một số đoạn đường bộ cũng bị ngập lụt. Chúng tôi đang chuyển sang các phương tiện vận tải thay thế như đường sắt”. Ngoài Nippon, nhiều nhà sản xuất khác cũng đang phải tìm phương án thay thế để vận chuyển sản phẩm, linh kiện từ Thượng Hải đến Quảng Đông và ngược lại.
Một số cơ sở sản xuất ô tô và thiết bị điện nằm cách xa sông may mắn hơn không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bao gồm nhà máy Isuzu Motors, Kawasaki Heavy Industries và Nippon Steel Engineering…