Nghịch lý vụ Tết ở Bình Định: “Người trồng rau cười, người trồng mai khóc”

19/02/2021 13:00 GMT+7
Năm nay, nhiều người trồng rau sạch ở Bình Định vui mừng vì vụ rau Tết được mùa, được giá. Trong khi đó, nhiều người trồng mai khóc “mếu máo” vì lượng tiêu thụ ít hơn so với mọi năm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thương lái chấp nhận bỏ cọc

Chủ vườn mai ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) - ông Nguyễn Văn Tám cho hay, năm ngoái thời điểm từ ngày 17 đến 26 tháng Chạp đường đi vào thôn Háo Đức, Thanh Liêm kẹt cứng xe tải đổ về chở mai nhưng năm nay rất thưa thớt.

"Đa số thương lái ở các tỉnh miền Bắc đã "bỏ cọc" khi nghe tin có trường hợp mắc Covid-19 ở tỉnh Hải Dương. Họ trả cọc thì nhà vườn cũng vui vẻ thôi vì dịch bệnh chẳng ai mong muốn. Một năm kinh tế gặp khó khăn, dịch bệnh rồi thời tiết ở miền Trung năm nay cũng khắc nghiệt, mưa bão, cây mai cũng không đẹp bằng năm ngoái", ông Tám nói.

Nghịch lý vụ Tết ở Bình Định: “Người trồng rau cười, người trồng mai khóc” - Ảnh 1.

Hoa mai nở rộ vào dịp Tết ở vùng An Nhơn, Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Phương (52 tuổi, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) thuê 1 đất rộng 4m bên quốc lộ 1A đoạn thuộc phường Bình Định để bày bán mai nhưng theo ghi nhận cũng rất ế ẩm.

"Thương lái bỏ cọc, mai ở vườn còn tồn động nhiều, tôi phải thuê bến bãi, thuê xe vận chuyển lên đây bán lẻ nhưng cũng rất ít người mua. Bình thường các năm tôi bán tầm trên 200 triệu nhưng năm nay bán chỉ được vài chục triệu, chưa đủ chi phí đầu tư. Lở tốn tiền thuê vận chuyển mai lên đây nên cố bán đến hết 30 Tết gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó ", ông Phương chia sẻ.

Nghịch lý vụ Tết ở Bình Định: “Người trồng rau cười, người trồng mai khóc” - Ảnh 2.

Người trồng bán mai vất vả ngủ lều bán dịp Tết.

Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) Bùi Văn Cư cho biết, vụ Tết năm nay người trồng mai địa phương duy trì được doanh thu ở mức tương đối, ước đạt gần 80 tỷ đồng.

Theo UBND thị xã An Nhơn, năm 2020, địa phương có gần 1.500 hộ dân trồng mai vàng, diện tích 145ha, số chậu mai từ 1,6-2 triệu đồng/chậu. Vài năm trở lại đây, qua mỗi vụ mai Tết, doanh thu toàn thị xã này luôn đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm, bán ra khắp các thị trường trong cả nước, chủ yếu phía Bắc.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch nên thị trường phía Bắc sụt giảm, nhiều lái buôn hủy đơn hàng đã đặt cọc từ trước, nên doanh thu của thủ phủ mai vàng lớn nhất miền Trung năm nay giảm.

Giá rau Tết tăng gấp 4 lần ngày thường

Bà Nguyễn Thị Được (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cho rằng, vụ rau Tết năm nay gia đình bà trồng hơn 2 sào rau (500m2/sào) gồm cải xanh, cải cúc và bồ ngót. Thời tiết thuận lợi cho rau phát triển nên cho năng suất cao hơn mọi năm.

"Giá rau vào thời điểm cận Tết lại tăng gấp 3-4 lần so ngày thường nên tiền bán rau tôi cho con cái ăn Tết thoải mái. Với 2 sào rau xanh, vụ Tết này tôi thu hơn 10 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 6 triệu đồng. Ăn Tết xong tôi tranh thủ thời tiết nắng ráo tiến hành làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ sau", bà Được nói.

Nghịch lý vụ Tết ở Bình Định: “Người trồng rau cười, người trồng mai khóc” - Ảnh 3.

Rau sạch được sơ chế trước khi đưa ra thị trường.

Ông Phạm Long Thăng - Giám đốc HTXNN Phước Hiệp cho biết, vùng rau an toàn ở HTX này có 13,5ha. Nhằm cung ứng rau xanh cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà con xã viên đã sản xuất 9ha rau các loại, nhiều nhất là rau ăn lá.

Thời gian cận Tết, do nhu cầu của thị trường tăng cao, nên giá các loại rau cũng tăng theo do đó người trồng rau ở đây đều có thu nhập khá. Riêng khổ qua, vào 2 ngày 27 và 28 Tết có giá đến 25.000 đồng/kg.

Còn rau bồ ngót hiện nay HTXNN Phước Hiệp thu mua tại ruộng với giá 15.000 đồng/kg nhưng cung không đủ cầu.

"Tết năm nay rau an toàn của Phước Hiệp được các siêu thị lớn ở Quy Nhơn thu mua mạnh. Mùng 2 Tết HTX nhập hàng cho Big C Quy Nhơn, mùng 5 nhập hàng cho Co.op mart Quy Nhơn và mùng 6 chúng tôi tiếp tục nhập hàng cho Vinmart.

Từ trong Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, mỗi ngày HTX thu mua, sơ chế, đóng gói, cung ứng cho thị trường 800-900kg rau xanh các loại. Nhờ tiêu thụ mạnh, nên hiện HTX thu mua rau ăn lá của bà con với giá bình quân 8.000 đồng/kg", ông Phạm Long Thăng chia sẻ.

Trong khi đó, vùng rau VietGAP Thuận Nghĩa thuộc thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) người trồng rau cũng vui mừng không kém.

Về vùng rau này trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi nhận thấy không khí lao động trên những ruộng rau vẫn sôi nổi như những ngày cận Tết Nguyên đán. Dưới cái nắng xuân rực rỡ, nông dân vẫn tất bật thu hoạch rau để cung ứng cho thị trường.

Nghịch lý vụ Tết ở Bình Định: “Người trồng rau cười, người trồng mai khóc” - Ảnh 4.

Vựa rau ở Bình Định trúng lớn dịp Tết.

 Theo các thương lái chuyên thu mua rau xanh ở vùng rau Thuận Nghĩa để cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên, thương hiệu rau xanh VietGAP của nông dân ở đây đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng nên việc tiêu thụ rất hanh thông, dễ dàng.

Không chỉ các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, mà tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ cũng mua mạnh rau xanh Thuận Nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Hải (ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) cho hay, gia đình ông trồng hơn 2 sào hành bán Tết, đến nay đã bán được hơn 6 triệu đồng, dự kiến sẽ thu được tổng cộng hơn 10 triệu đồng.

Ông Quách Văn Cầu - Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa cho biết, chúng tôi đã thành lập 9 nhóm với 224 hộ cùng sở thích trồng rau VietGAP sản xuất trên diện tích 13,2ha. Thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu, mỗi ngày HTX cung ứng cho các siêu thị, quầy rau an toàn 500-600 kg rau các loại, nhiều nhất là cải xanh, cải cúc, rau dền, dưa leo, khổ qua, đậu cô ve và các loại rau gia vị.

"Trong năm mới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời vận động nông dân sản xuất nhiều chủng loại rau hơn nữa để phong phú thêm nguồn hàng cung ứng cho thị trường", ông Cầu thông tin.

Dũ Tuấn
Cùng chuyên mục