Ngoài Trung Quốc, cao su Việt Nam còn bán được cho ai?

31/01/2022 17:40 GMT+7
Nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường lớn trên thế giới năm qua đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Đây là khó khăn của cao su Việt để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2022...

Theo nhận định từ các chuyên gia, cùng với việc thế giới thiếu hụt cao su tự nhiên trong năm 2021, giá dầu tăng mạnh trở lại sẽ kéo theo giá cao su khởi sắc, dự báo giá cao su sẽ tăng trở lại đến hết quý I/2022.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần nên xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020. 

Việc xuất khẩu cao su của Việt Nam năm qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada... tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, cao su Việt Nam còn bán được cho ai? - Ảnh 1.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020.

Theo số liệu thống kê cho thấy, trong các tháng năm 2021, nhập khẩu cao su của hầu hết các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tăng mạnh nhất là các thị trường như: Malaysia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Hoa Kỳ... và nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Trung Quốc: 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, với 11,35 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 2 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 17,7% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021, tăng nhẹ so với mức 15,5% của cùng kỳ năm 2020. 

Ấn Độ: Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu cao su của Ấn Độ đạt 1,93 tỷ USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Ấn Độ nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 204,6 triệu USD, tăng 137,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam cũng chỉ chiếm 9,4% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong 11 tháng năm 2021, tăng so với mức 6,9% của cùng kỳ năm 2020.

Ngoài Trung Quốc, cao su Việt Nam còn bán được cho ai? - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Ngoài Trung Quốc, cao su Việt Nam còn bán được cho ai? - Ảnh 3.

Nguồn: ITC, * Cơ quan Hải quan Trung Quốc, ** Bộ Thương mại Ấn Độ

Dự báo, trong ngắn hạn, giá cao su có thể sẽ tiếp tục tăng do cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ Đông. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covid-19 mới trên toàn cầu, cùng với sự chậm lại trong sản xuất ô tô đã làm tăng lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi. 

Với thị trường Trung Quốc: Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2022, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm về lượng so với năm 2021. Do đó, nếu Việt Nam không chuyển hướng thị trường tốt thì xuất khẩu cao su sẽ khó thuận lợi như năm 2021. Chưa kể sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, việc xuất khẩu cao su qua biên giới với Trung Quốc có thể còn khó khăn, hàng hóa bị ùn ứ bởi chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc.

Năm 2022, xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ phải cố gắng hướng đến nhiều hơn nữa tới các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu... để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và những khó khăn trước mắt do thị trường này tạo ra. 

Chỉ đơn cử tại thị trường Hàn Quốc, cao su Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đã tăng khá mạnh trong năm 2021, nhất là chủng loại cao su tự nhiên, tuy nhiên thị phần tại thị trường này vẫn rất nhỏ bé.

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 504,02 nghìn tấn cao su, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020. Với kim ngạch nhập khẩu như trên, Hàn Quốc hiện đang là 1 trong 10 thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất trên thế giới mà Việt Nam không thể không hướng tới.

Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc, đạt 39,51 nghìn tấn, trị giá 75,4 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 45,8% về trị giá so với năm 2020.

Tuy nhiên, thị phần cao su Việt Nam chỉ chiếm 7,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng nhẹ so với mức 6,9% của năm 2020.

Ở chủng loại cao su tự nhiên, trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, với 39,36 nghìn tấn, trị giá 74,98 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 47,2% về trị giá so với năm 2020.

Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc cũng chỉ chiếm 12,4%, tăng nhẹ so với 10,8% của năm 2020.

Năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng kinh tế của Hàn Quốc, nhưng nước này vẫn đẩy mạnh nhập khẩu cao su để phục vụ nhu cầu sản xuất. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để gia tăng thị phần tại thị trường đầy triển vọng này.

Ngoài Trung Quốc, cao su Việt Nam còn bán được cho ai? - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Hàn Quốc

Hay với thị trường Liên minh châu Âu (EU), EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Vì thế, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như đòn bẩy để ngành cao su liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao.

Bởi, với Hiệp định EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3% - 4,5% trước đây.

Hơn nữa, các loại băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5% là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su.

Ngoài ra, ngành công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng tại EU đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, nhất là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Dự báo đà tăng trưởng nối tiếp của mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Thế nhưng, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững tại thị trường này đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu và gia tăng thị phần tại thị trường EU, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng nhận nguồn gốc cho gỗ (FSC).

Theo các chuyên gia, tuy Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho các sản phẩm cao su thiên nhiên.

Bởi vậy, các công ty cao su Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2021, riêng xuất khẩu cao su sang Liên minh châu Âu (EU) đã đạt khoảng 100.000 tấn trong tháng 11, tương đương 175 triệu USD. Giá cao su xuất sang thị trường này đã tăng mạnh gần 73% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngành cao su có đòn bẩy để liên kết sâu rộng vào thị trường lớn với giá bán cao. Cơ quan này dự đoán, nhiều mặt hàng như cao su cao cấp (SVR CV), chủng loại SVR 10, SVR 20... sẽ tăng trưởng nối tiếp trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng cho rằng, giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra quan điểm, trong ngắn hạn, giá cao su sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân là cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ đông. Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế bởi biến thể Omicron và sự chững lại trong sản xuất ôtô. Vì thế, ngành cao su có đạt được mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD hay không là nhờ vào việc đẩy mạnh xuất khẩu cao su vào các thị trường lớn, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Năm 2021 là một năm sóng gió với ngành cao su Việt Nam. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến từ hoạt động sản xuất mủ cao su, đến chế biến gỗ cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực khắc phục và tiếp tục tiến đến mục tiêu phát triển bền vững đề ra trong năm 2022. Năm 2022, Việt Nam có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Trong tháng 01/2022, giá cao su trong nước có xu hướng tăng nhẹ, giá mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290-350 đồng/độ TSC. Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước của Công ty cao su Phú Riềng dao động ở mức 300- 340 đồng/độ TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348 -350 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 323 đồng/độ TSC.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục