Thị trường này sẽ làm cho giá và xuất khẩu cao su của Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh tới đây
Giá cao su thế giới tăng tác động tích cực tới giá cao su trong nước
Tuần đầu tháng 01/2022, giá cao su tại châu Á tăng nhẹ, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 07/01/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 01/2022 ở mức 226 Yên/kg (tương đương 1,95 USD/ kg), tăng 1,4% so với cuối năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu hơn so với USD thúc đẩy nhu cầu mua vào. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô chậm và tâm lý lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 đang tăng trên thế giới đã hạn chế đà tăng.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 07/01/2022 giá cao su RSS3 giao tháng 01/2022 ở mức 14.585 NDT/tấn (tương đương 2,29 USD/kg), tăng 0,4% so với cuối năm 2021, nhưng vẫn giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cao su Thượng Hải tăng do tồn kho giảm và nhập khẩu bị trì hoãn, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế bởi nhu cầu yếu và hoạt động tại các nhà máy lốp xe dự kiến giảm trước đợt nghỉ Tết Nguyên Đán.
Tại Thái Lan, ngày 07/01/2022, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 60,4 Baht/kg (tương đương 1,79 USD/kg), tăng 1,1% so với cuối năm 2021, nhưng vẫn giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cao su vẫn tiếp tục đà tăng cho đến hôm nay 13/1 ở các sàn Osaka và Thượng Hải. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 13/1/2022, lúc 9h00, kỳ hạn tháng 6/2022, tăng mạnh lên mức 242,1 JPY/kg, tăng mạnh 2,3 yên, tương đương 0,96%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 65 CNY, lên mức 14.780 CNY/tấn, tương đương 0,44%.
Nguyên nhân là do thị trường không chứng kiến nhu cầu mạnh từ những người mua số lượng lớn trong bối cảnh các ca nhiễm Omicron tăng đột biến.
Giá cao su thế giới tăng đã tác động tích cực tới giá cao su trong nước. Tuần đầu tháng 01/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước tăng trở lại theo xu hướng của thị trường thế giới. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 293-333 đồng/độ mủ, tăng 10 đồng/độ mủ so với cuối năm 2021. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 318-322 đồng/độ mủ. Dự kiến trong cả tháng 01/2022, giá mủ cao su trong nước sẽ dao động quanh mức 290-335 đồng/ độ mủ. Tính đến giữa tháng 12/2021, toàn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã khai thác được 377.722,6 tấn mủ, đạt 100% kế hoạch sản lượng, về trước kế hoạch 16 ngày. Ước tính đến hết năm 2021, sản lượng mủ do VRG khai thác vượt 5,7% kế hoạch sản lượng.
Thị trường Hoa Kỳ sẽ làm cho giá và xuất khẩu cao su của Việt Nam tiếp tục bứt phá
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Với vị trí thứ ba toàn cầu về trị giá xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ…
Trong đó, đặc biệt là xuất khẩu cao su sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 39,05 nghìn tấn, trị giá 65,85 triệu USD, tăng 63,7% về lượng và tăng 98,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.686 USD/tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, chủng loại cao su Latex được xuất khẩu nhiều nhất sang Hoa Kỳ, chiếm 35% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2021, với 13,67 nghìn tấn, trị giá 16,83 triệu USD, tăng 116,4% về lượng và tăng 160,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu cao su bình quân tới thị trường Hoa Kỳ đạt 1.231 USD/tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đáng chú ý như: SVR 10 tăng 201,5% về lượng và tăng 298,3% về trị giá; SVR CV60 tăng 68,5% về lượng và tăng 108,3% về trị giá…
Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2021 hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là RSS3 tăng 43,4%; RSS1 tăng 34,8%; SVR 10 tăng 32,1%; SVR 3L tăng 25,9%...
Kinh tế Hoa Kỳ đang dần hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu cao su của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho tới năm 2023, nhờ nhu cầu của các sản phẩm từ cao su tăng. Dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2022 và Hoa Kỳ sẽ là "cứu cánh" cho giá và xuất khẩu cao su của Việt Nam tiếp tục bứt phá.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 1,79 triệu tấn cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 3,72 tỷ USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 46,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ với 39,09 nghìn tấn, trị giá 68,83 triệu USD, tăng 82,7% về lượng và tăng 122,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 2,2%, tăng so với mức 1,5% của 11 tháng năm 2020. Qua số liệu cho thấy, thị phần cao su của Việt Nam tại Hoa Kỳ đã dần được cải thiện và cao su của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 920,87 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 56,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ, với 39,02 nghìn tấn, trị giá 68,49 triệu USD, tăng 82,5% về lượng và tăng 122,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 4,2%, tăng so với mức 2,9% của 11 tháng năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 621,29 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 1,37 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 0,01% trong tổng lượng cao nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm chế biến từ ngành công nghiệp cao su như xăm lốp, găng tay, gioăng cao su… đã chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su.
Chính vì những biến động lớn do dịch bệnh Covid-19 này đã tác động mạnh đến nguồn nguyên liệu cao su, gỗ cao su phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Trong tình huống khó khăn lại chứa nhiều cơ hội cho ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ khi nền kinh tế này phục hồi sau dịch.
Nhiều chuyên gia dự báo, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2022 cùng với nhu cầu cao su tăng cao tại Hoa Kỳ sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao và Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.