Người đại diện 5.000 công nhân Trung Nguyên kiện Lê Hoàng Diệp Thảo là ai?
Vụ án ly hôn giữa "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
Cách đây một tuần, trên website chính thức, Tập đoàn Trung Nguyên đã công khai đơn cầu cứu với nội dung "giúp đỡ chúng tôi (Trung Nguyên) trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật". Người đứng ra đại diện làm đơn là ông Trịnh Ty - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Trung Nguyên.
Đáp trả lại ngay sau đó, trên Fanpage của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có một bài viết với nhan đề "Trịnh Ty là ai?". Trong bài này, bà Thảo kể về việc quãng thời gian dang tay giúp đỡ Trịnh Ty thoát khỏi cơ hàn thế nào. Đặc biệt, bà Thảo còn cho biết, người đàn ông này cùng một số người khác đang có âm mưu chiếm Tập đoàn Trung Nguyên.
Cụ thể, theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Trịnh Ty là người bạn học thời niên thiếu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trước khi về làm cho Trung Nguyên, ông Trịnh Ty có một thời gian rất khốn khó. Người đàn ông này lấy vợ khi vừa mới học xong lớp 9 và chạy xe ôm ở Sài Gòn.
Đến năm 1997, Trịnh Ty về để đi cùng ông Vũ mở đường cho Trung Nguyên ra Long Xuyên, sau 8 tháng thì Trung Nguyên phá sản.
"Vũ Thảo đưa cả gia đình cậu ta đi cùng, nên khi khó khăn thì mấy gia đình cùng ở chung một nhà. Thuở cơ hàn thì cơm cháo có nhau, vậy mà giờ đây Trịnh Ty biết rất rõ Vũ bị bệnh, nhưng vì điều gì khiến cậu ta biến chất? Hãm hại gia đình bạn để hòng cướp cả Trung Nguyên.
Bao năm khó khăn, vợ chồng Trịnh Ty ở nhờ nhà với anh chị. Thấy vậy vợ chồng Vũ Thảo đã giúp đỡ mua được nhà riêng cho gia đình cậu ta ở khu Trung Sơn và còn cấp cả xe hơi đầy đủ. Bây giờ khi mà có căn nhà để ở, nhà cho thuê rồi nhà nghỉ mát, xe cộ đủ các loại Porches, Prado... con cái cũng được cho đi học nước ngoài thì lòng tham trở lên vô đáy? Hãm hại lại chính người một hời đã cưu mang mình", bà Thảo viết.
Không chỉ thế, bà Thảo cho biết thêm, ông Trịnh Ty làm Trưởng phòng R&D, sau đó được lên chức Giám đốc R&D và Chủ tịch Công đoàn. Ông Trịnh Ty biết rất rõ ông Vũ thế nhưng sau 3-4 năm nay, ông Trịnh Ty lại trở thành người một nhóm với Huỳnh Vạn Cẩm Tú và Nguyễn Văn Đông để thao túng quyền điều hành Trung Nguyên.
Năm 2017 Trịnh Ty và 3 người nữa gửi Đơn khởi kiện bà Thảo ở Tòa án TP.HCM, nhưng bị Tòa bác bỏ vì không có chứng cứ. Nay thì công khai lên website của Trung Nguyên để thông báo chống lại chủ của mình. "Chủ tịch Công đoàn ở một công ty tư nhân có quyền hành như thế nào mà có thể tố cáo ngay chủ sở hữu?", bà Thảo đặt câu hỏi.
Cũng trong một bài viết khác trên fanpage bà Thảo đã viết: "Hay nói cách khác, nếu không có những đồng vốn của tôi đưa cho anh Vũ trong 3 thời điểm ngặt nghèo nhất, thì không bao giờ tồn tại Trung Nguyên trên cõi đời này để mà những kẻ tham lam vô độ hùa vào cướp trắng.
Lần thứ 1: Tại thời điểm mới lập nghiệp, 1996 người chú nuôi cho thuê căn nhà gỗ ọp ẹp để làm hãng cà phê Trung Nguyên với giá 1 triệu đồng. Đột nhiên, ông ấy đã đòi lại vốn và đòi lại nhà. Tôi phải đưa tiền cho anh Vũ.
Lần thứ 2: Khi còn là 1 sinh viên nghèo vào Sài Gòn để tìm người đỡ đầu, anh Vũ đã bị 1 người chú họ rất giàu có nhưng không những không giúp, không cưu mang mà còn đuổi ra đường. Điều đáng nói, ông này không góp một đồng vốn nào nhưng lại yêu cầu rút vốn. Khi ấy, anh Vũ không có mà đưa thì bị người chú họ lấy hết nguyên liệu làm cà phê, khiến việc kinh doanh của anh Vũ bị điêu đứng. Tôi cũng đã phải đưa tiền vốn của mình cho anh Vũ vực lại kinh doanh.
Lần thứ 3: Vì không nghe lời tôi khuyên mà anh Vũ đã đồng ý hợp tác với 1 người để lập nghiệp lại Long Xuyên năm 1997 và sau 8 tháng đã thua lỗ, phá sản hoàn toàn. Khi ấy, tôi phải bỏ việc của mình đang làm ở bưu điện để đồng ý kết hôn cùng anh. Khi tôi về ở với anh 1998, tôi đã đưa anh vốn liếng, từng bước điều hành Trung Nguyên, trực tiếp thay đổi toàn bộ cục diện kinh doanh của Trung Nguyên...
Bà Thảo nói rằng, mình vẫn đang tiếp tục gửi hồ sơ về những hành vi "rút ruột Trung Nguyên" của các "nhóm lợi ích" cho các cơ quan Công an và Cảnh sát điều tra. Bà tin rằng đây không phải là chuyện của gia đình bà, mà nó tổn hại đến các lợi ích của cổ đông và sự minh bạch trong hoạt động của một Tập đoàn lớn, cần phải đưa ra Tòa án hình sự.
Với những lời chia sẻ hoàn toàn trái ngược từ hai phía, nếu không phải là người trong cuộc và biết "thâm cung bí sử" của nhà Trung Nguyên, thì thật là khó để biết đâu là sự thật.