Người dân Ấn Độ kiệt quệ, vật lộn với đại dịch nhưng các tỷ phú thì giàu lên chưa từng thấy
Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani, chủ tịch gã khổng lồ công nghiệp Reliance Industries đã chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng 15 tỷ USD so với năm ngoái lên 80 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Bloomberg.
Nhà sáng lập tập đoàn Adani của Ấn Độ, tỷ phú Gautam Adani cũng có khối tài sản tăng vọt 13 tỷ USD trong năm qua lên 55 tỷ USD, theo Bloomberg.
Mukesh Ambani và Gautam Adani hiện là người giàu thứ nhất và thứ tư châu Á. Tổng tài sản của họ thậm chí còn lớn hơn quy mô GDP của một số quốc gia châu Á.
Trong bối cảnh Ấn Độ trở thành tâm chấn đại dịch Covid-19 ở châu Á với hơn 30 triệu ca nhiễm và ít nhất 400.000 người tử vong, việc khối tài sản của các tỷ phú giàu nhất đất nước không ngừng tăng mạnh đã khiến khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia này ngày một gia tăng. Thực tế là Ấn Độ chiếm tới hơn 1 nửa tỷ lệ đói nghèo gia tăng trên toàn cầu trong năm 2020, khi quốc gia tỷ dân này rơi vào suy thoái kinh tế do hậu quả của các đợt phong tỏa quốc gia để kiểm soát đại dịch.
Trái ngược với tình cảnh ngặt nghèo của người nghèo Ấn Độ, tỷ phú Mukesh Ambani đã chứng kiến khối tài sản tăng nhanh, vượt qua nhiều nhà tài phiệt Trung Quốc để lấy lại tư cách người giàu nhất châu Á trong phần lớn thời gian đại dịch. Chủ tịch Reliance Industries hiện là người giàu thứ 12 hành tinh, giàu hơn cả nhà sáng lập Dell - Michael Dell. Reliance Industries đã trải qua một năm 2020 thăng hoa khi huy động được hàng tỷ USD đầu tư từ những gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon (Mỹ) như Google hay Apple vào dự án mạng viễn thông & kỹ thuật số Jio Platforms.
Tư cách người giàu thứ hai châu Á sau đó cũng nhanh chóng thuộc về một tỷ phú Ấn Độ khác - Gautam Adani. Tập đoàn Adani của tỷ phú Gautam Adani kiểm soát hàng loạt công ty con từ lĩnh vực khai thác cảng, hàng không vũ trụ đến năng lượng nhiệt và than đá. Tương tự Reliance Industries, Adani Group đã có một năm thành công khi cổ phiếu Adani Enterprises tăng hơn 800% trên sàn giao dịch chứng khoán Mumbai kể từ tháng 6/2020.
Mặc dù tháng trước, cổ phiếu các công ty con của tập đoàn Adani đã giảm đột ngột sau khi tờ Thời báo Kinh tế của Ấn Độ cho hay các quỹ nước ngoài nắm giữ hàng tỷ USD cổ phần những công ty này đã bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ đóng băng. Mặc dù phát ngôn viên Adani sau đó tuyên bố thông tin này là hoàn toàn sai lệch, tỷ phú Gautam Adani đã mất 20 tỷ USD tài sản ròng trong chưa đầy 1 tháng do cổ phiếu đồng loạt giảm. Dù vậy, theo Bloomberg, ông Adani hiện vẫn nằm trong số những người đàn ông giàu nhất châu Á sau người đồng hương Mukesh Ambani, ông trùm nước đóng chai Trung Quốc Zhong Shanshan và CEO Tencent Pony Ma.
Theo Saurabh Mukherjea, người sáng lập Marcellus Investment Managers, sự gia tăng tài sản của tỷ phú Ambani và Adani không phải điều đáng ngạc nhiên khi mà hầu hết các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm ở Ấn Độ hiện nay bị thống trị bởi một hoặc hai tập đoàn lớn mạnh. “Đất nước đang ở trong giai đoạn mà 15 nhà kinh doanh hàng đầu chiếm tới 90% lợi nhuận được tạo ra trong toàn nền kinh tế” - ông Saurabh Mukherjea nhận định trong cuộc phỏng vấn với CNN.
99% dân số Ấn Độ vật lộn với suy thoái kinh tế
Không giống các nhà tài phiệt như Ambani và Adani, phần lớn dân số Ấn Độ đang vật lộn với tình trạng bất ổn kinh tế do hệ quả của cuộc khủng hoảng đại dịch.
Một báo cáo của Credit Suisse công bố tháng 6 qua cho thấy trong năm ngoái, tỷ lệ tài sản do 1% người giàu nhất Ấn Độ sở hữu đã tăng vọt 7% lên 40,5% trong năm 2020 trong bối cảnh Ấn Độ áp dụng hàng loạt biện pháp phong tỏa quốc gia để kiểm soát đại dịch. Cũng theo báo cáo này, hệ số Gini của Ấn Độ - một thước đo phổ biến về bất bình đẳng - đã tăng từ 74,7 vào năm 2000 lên 82,3 vào năm 2020. Con số này càng cao càng phản ánh sự chênh lệch thu nhập lớn giữa người giàu và người nghèo trong xã hội.
Ấn Độ đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế trong năm ngoái sau đợt đóng cửa đất nước kéo dài gần 4 tháng. Mặc dù nền kinh tế Nam Á này nhanh chóng chứng kiến dấu hiệu phục hồi trong năm nay, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ lại tăng lên mức kỷ lục vào tháng 5/2021 khi làn sóng dịch mới càn quét quốc gia.
Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đã giảm 32 triệu người vào năm ngoái do hậu quả của suy thoái kinh tế.
Nhà nghiên cứu cấp cao Rakesh Kochhar của Pew viết trong một bài đăng vào tháng 3/2021: "Số người nghèo ở Ấn Độ (được tính là những đối tượng có thu nhập dưới 2 USD/ngày) ước tính đã tăng 75 triệu người". Con số này chiếm tới 60% tỷ lệ nghèo đói tăng lên trên toàn cầu trong đại dịch, chưa tính đến những người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo đói do làn sóng dịch nghiêm trọng gần đây.