Từ Ambani đến Tata: khi các gia tộc tỷ đô Ấn Độ "tan đàn xẻ nghé" vì tranh giành gia sản

11/04/2021 18:59 GMT+7
Các tập đoàn công nghiệp lớn của Ấn Độ thường gây chú ý với những tin tức về những thương vụ tỷ đô. Nhưng đôi lúc, họ lại nằm trên trang nhất mặt báo với những tin tức về cuộc chiến tranh giành gia sản tỷ đô.

Tháng trước, dư luận Ấn Độ chứng kiến đỉnh điểm căng thẳng của một thương vụ tranh chấp dai dẳng bậc nhất, khi tỷ phú công nghiệp Ratan Tata, 83 tuổi bị kiện bởi người họ hàng Cyrus Mistry, người từng giữ ghế Chủ tịch điều hành tập đoàn Tata Group trị giá 106 tỷ USD.

Ông Mistry đã bị doanh nhân Ratan Tata cách chức Chủ tịch Tata Group vào năm 2016. Nhưng thay vì ra đi trong lặng lẽ, người đàn ông 52 tuổi quyết định kiện ông Tata ra tòa, cáo buộc ông này ra phán quyết sa thải không công bằng.

Tòa án Tối cao Ấn Độ sau nhiều năm ròng thụ án, mới đây đã ra phán quyết cuối cùng rằng hành động sa thải Cyrus Mistry là hoàn toàn hợp pháp.

Hàng triệu người Ấn Độ theo dõi cuộc tranh chấp kéo dài cuối cùng cũng chờ được một phán quyết bước ngoặt. Trong khi đó, các nhà quan sát thở phào nhẹ nhõm khi cuộc tranh chấp gây chú ý trên toàn cầu kết thúc.

Vụ việc chỉ là một ví dụ trong vô vàn tranh chấp kinh doanh gia tộc tồi tệ khác của Ấn Độ. Theo Viện nghiên cứu Credit Suisse, Ấn Độ đứng thứ ba trên toàn cầu về số công ty gia đình, với 111 công ty có tổng vốn hóa thị trường là 839 tỷ USD vào năm 2018. 

“Các công ty thuộc sở hữu gia đình, bao gồm cả những công ty Ấn Độ trong cơ sở dữ liệu của chúng tôi đang cho thấy dấu hiệu hoạt động tốt hơn về tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận cũng như khả năng phục hồi hậu đại dịch Covid-19” - nhận định của ông Mihir J. Doshi, giám đốc điều hành và giám đốc điều hành quốc gia tại Credit Suisse Ấn Độ. Nhưng những bê bối tranh chấp trong các đế chế kinh doanh gia đình cũng không hiếm.

Từ Ambani đến Tata: khi các gia tộc tỷ đô Ấn Độ "tan đàn xẻ nghé" vì tranh giành gia sản - Ảnh 1.

Vụ tranh chấp trong gia tộc Ambani là một trong những bê bối tranh giành gia sản nổi tiếng nhất của các đại gia tộc Ấn Độ

Có lẽ vụ việc nổi tiếng nhất phải kể đến là tranh chấp giữa tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani - CEO Reliance Industries, người sở hữu khối tài sản ròng ước tính 91 tỷ USD với em trai là Anil - chủ tịch Tập đoàn Reliance ADA với khối tài sản 79 triệu USD.

Sau sự qua đời không để lại di chúc của người cha Dhirubhai Ambani - người sáng lập đế chế kinh doanh Reliance - vào năm 2002, tỷ phú Mukesh với tư cách anh trai cả đã nhanh chóng tiếp quản vị trí Chủ tịch và giám đốc điều hành Reliance Industries trong khi ông Anil tiếp quản quyền phó chủ tịch. Nhưng trong suốt 4 năm sau đó, cả hai liên tục tranh cãi về quyền thừa kế, đến mức người mẹ của họ phải ra mặt giải quyết tranh chấp vào năm 2016. 

Đế chế Reliance sau đó bị chia tách khi tỷ phú Mukesh thừa kế hoạt động kinh doanh cốt lõi của Reliance Industries còn người em Anil tiếp quản mảng kinh doanh viễn thông, giải trí và dịch vụ tài chính. 

Sau khi được phân chia khối tài sản như nhau, cả hai đã chèo lái con thuyền của họ theo những quỹ đạo khác hẳn. Người anh Mukesh Ambani thành công hơn, hiện lọt top 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh. Trong khi người em Anil, từng là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, giờ đây chìm đắm trong nợ nần khi hoạt động kinh doanh đi xuống, các công ty con lỗ chồng chất.

Một tập đoàn gia đình khác thuộc sở hữu của người Ấn Độ hoạt động tại Anh là Hinduja cũng chứng kiến những sóng gió tranh chấp quyền lực trong vài năm gần đây. Đế chế trị giá 11 tỷ USD hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ ô tô, dịch vụ tài chính, CNTT, truyền thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng, hóa chất và chăm sóc sức khỏe tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nó được điều hành bởi 4 anh em người Ấn Độ - Srichand, Gopichand, Prakash và Ashok.

Vào năm 2014, hai trong số 4 người họ đã ký một cam kết rằng tài sản cá nhân của mỗi người thuộc về tất cả, và mỗi thành viên sẽ chỉ định những người khác trong nhóm sẽ có quyền quyết định đến việc chia tài sản. Nhưng ông Srichand (84 tuổi), anh cả của nhóm lại phản đối điều này, tuyên bố cam kết hoàn toàn vô hiệu, đồng thời đề xuất chính ông này và con gái ông, Vinoo sẽ quyết định tài sản của gia đình được chia như thế nào.

Một cuộc chiến pháp lý nổi tiếng khác của gia tộc Bajaj cũng gây chú ý lớn khi nhiều người thân trong gia tộc kiện tụng nhau về quyền lợi trong đế chế kinh doanh gia đình. Tập đoàn Bajaj khi đó là  một trong những tập đoàn lâu đời nhất và lớn nhất của Ấn Độ với hoạt động kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm, thép cho đến thiết bị gia dụng. Cuộc tranh chấp chỉ kết thúc vào năm 2006 với sự tham gia của Hội đồng luật thuộc chính phủ.

Theo các chuyên gia pháp lý, phần lớn tranh cãi giữa các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình ở Ấn Độ sẽ không xảy ra nếu có một di chúc phân chia thừa kế rõ ràng. 

Tuy nhiên, một báo cáo năm 2018 của Edelweiss Private Wealth Management, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Ấn Độ và Campden Family Connect - một liên doanh giữa hai nhà quản lý tài sản tư nhân là Campden Wealth (Anh) và Patni Group (Ấn Độ) cho thấy chỉ có 19% gia tộc Ấn Độ với giá trị tài sản ròng bình quân 645 triệu USD chính thức đồng ý với những thỏa thuận như vậy.


NTTD
Cùng chuyên mục