Hai trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới - Jeff Bezos và Mukesh Ambani đã dấn thân vào một cuộc chiến pháp lý liên quan đến thương vụ thâu tóm công ty bán lẻ Ấn Độ Future Retailer. Nhưng xung đột pháp lý chỉ là bề nổi. Thứ mà cả hai ông trùm Bezos và Ambani thực sự tranh giành là vị thế trong thị trường tiêu dùng tỷ dân ở quốc gia Nam Á này.

Thương vụ 3,4 tỷ USD: bề nổi của tảng băng chìm

Bezos - Ambani: Cuộc “đụng độ” của những ông trùm và tương lai ngành bán lẻ Ấn Độ - Ảnh 1.

Nguyên nhân trực tiếp cuốn cả hai ông lớn Amazon và Reliance Industries vào xung đột là vụ tranh chấp pháp lý xoay quanh thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD mà Reliance ký kết vào tháng 8/2020 nhằm thâu tóm nhà bán lẻ địa phương Future Retailer trực thuộc Future Group. Được thành lập bởi doanh nhân nổi tiếng Kishore Biyani - ông vua bán lẻ Ấn Độ, Future Group đã góp phần thay đổi diện mạo ngành bán lẻ trong nước suốt vài thập kỷ gần đây.

Nhưng trước đó, vào tháng 8/2019, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon của Jeff Bezos đã nhanh chân mua lại 4,5% cổ phần Future Retailer. Hợp đồng này được cho là có bao gồm một điều khoản không cạnh tranh, trong đó cấm cả Future Group và Future Retailer làm ăn với 30 tổ chức. Không may thay, trong số 30 cái tên này bao gồm cả Reliance Industries - tập đoàn đang điều hành chuỗi bán lẻ lớn nhất Ấn Độ.

Gần như ngay lập tức sau khi thương vụ thâu tóm trị giá 3,4 tỷ USD của Reliance Industries với Future Retailer được công bố, Amazon đã lên tiếng cáo buộc Future Group vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Hai tháng sau, ngày 5/10/2020, Amazon đưa vụ việc lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). SIAC sau đó đã ban hành một lệnh cấm tạm thời, yêu cầu Future Group tạm dừng thương vụ bán Future Retailer cho Reliance. 

Amazon cũng nộp đơn lên Tòa án Tối cao Ấn Độ ở New Delhi, tuyên bố thỏa thuận 3,4 tỷ USD giữa Future Group và Reliance là “bất hợp pháp”. Đồng thời, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật New Delhi hỗ trợ thực thi phán quyết sơ bộ của SIAC về vụ việc.

Bezos - Ambani: Cuộc “đụng độ” của những ông trùm và tương lai ngành bán lẻ Ấn Độ - Ảnh 2.

Về phía Future Group, tập đoàn này cáo buộc Amazon đòi lại 40 triệu USD để rút “quyền từ chối đầu tiên”, cho phép thương vụ 3,4 tỷ USD với Reliance diễn ra êm đẹp. Luật sư của Future Group nhấn mạnh Amazon là gã khổng lồ đến từ bên kia bán cầu, là “anh cả của nước Mỹ”, và rằng Future sẽ đối diện với tương lai phá sản nếu thỏa thuận với Reliance đổ bể vì Amazon. “Xin đừng cho phép gã khổng lồ Mỹ giết chết Future” - lời kêu gọi gửi đến thẩm phán Tòa tối cao.

Cũng như Future Group, Reliance khẳng định thỏa thuận của họ là hoàn toàn có cơ sở thực thi dựa trên nền tảng luật pháp Ấn Độ. 

Nhưng xung đột pháp lý chỉ là bề nổi. Thứ mà hai ông trùm Jeff Bezos và Mukesh Ambani đang thực sự tranh giành là vị thế quan trọng trong thị trường tiêu dùng tỷ dân ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Bezos - Ambani: Cuộc “đụng độ” của những ông trùm và tương lai ngành bán lẻ Ấn Độ - Ảnh 3.

Thị trường bán lẻ Ấn Độ hiện là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, với quy mô giá trị ước tính 60 tỷ USD. Trong đó, mảng thương mại điện tử đang nở rộ được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 24% từ nay đến năm 2024, qua đó đưa giá trị thị trường lên tới 99 tỷ USD, theo India Brand Equity Foundation.

Cả Reliance và Amazon đều thèm khát miếng bánh ngọt này.

Reliance của tỷ phú Mukesh Ambani là một trong những tập đoàn quyền lực nhất Ấn Độ với hoạt động kinh doanh trải rộng trên khắp mọi lĩnh vực viễn thông, giải trí, thương mại điện tử, nông nghiệp, bán lẻ, thời trang, dầu khí… Nếu thương vụ 3,4 tỷ USD với Future Group diễn ra tốt đẹp, Reliance sẽ nắm quyền tiếp quản thêm hơn 1.800 cửa hàng bán lẻ tại 420 thành phố khắp Ấn Độ, bổ sung vào chuỗi bán lẻ hơn 11.000 cửa hàng hiện nay.

Trong khi đó, Amazon - gã khổng lồ thương mại điện tử hàng đầu hành tinh với hoạt động kinh doanh bán lẻ bành trướng trên toàn cầu - cũng đang cố gắng giành thị phần ở thị trường bán lẻ tỷ dân của Ấn Độ. Năm ngoái, công ty con tại Ấn Độ của Amazon - Amazon Seller Services - đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 43% lên 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019 bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch.

Bezos - Ambani: Cuộc “đụng độ” của những ông trùm và tương lai ngành bán lẻ Ấn Độ - Ảnh 4.

Chiến trường không khép lại bằng một phán quyết

Xung đột giữa đế chế của hai tỷ phú Jeff Bezos và Mukesh Ambani mở màn bởi thương vụ Future Group, nhưng sẽ không dừng lại chỉ bằng một phán quyết dù bên nào giành chiến thắng.

Khi công nghệ chứng minh vai trò quan trọng của mình trong cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua, rất có thể mặt trận cạnh tranh tiếp theo giữa Amazon và Reliance sẽ là giao dịch thanh toán không tiền mặt. Sự bùng nổ của xu hướng thanh toán không tiền mặt cũng như đà tăng trưởng tiềm năng của thị trường bán lẻ Ấn Độ chắc chắn sẽ tạo nên một vụ đụng độ sâu sắc hơn.

Bezos - Ambani: Cuộc “đụng độ” của những ông trùm và tương lai ngành bán lẻ Ấn Độ - Ảnh 5.

Visa hiện đang hợp tác với Amazon để xây dựng một hệ thống thanh toán điện tử tại Ấn Độ. Trong khi đó, Reliance chọn các đối tác là Alphabet (công ty mẹ Google) và Facebook  - ông lớn công nghệ Mỹ từng nhiều lần bày tỏ tham vọng dấn thân vào thị trường fintech.

Cuộc cạnh tranh tương lai giữa Amazon và Reliance sẽ không dừng lại ở việc ai lấy được nhiều hơn từ ví tiền người tiêu dùng Ấn Độ, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, ai tạo điều kiện thuận lợi hơn để hỗ trợ sinh kế những hộ kinh doanh nhỏ, ai vươn cánh tay được đến những vùng xa xôi nhất của đất nước, ai thay đổi diện mạo hoạt động thanh toán điện tử ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.... Đó mới là chiến thắng thực sự và cuối cùng trong cuộc chiến giữa các tỷ phú Jeff Bezos và Mukesh Ambani.