Nguồn cung thiếu hụt, vì sao giá cà phê trong nước liên tục giảm?

25/09/2022 20:24 GMT+7
Giá cà phê trong nước hôm nay 25/9 giảm 100 đồng/kg. Hiện giá cà phê trong nước dao động ở mức 47.300 - 47.900 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 25/9: Giá cà phê trong nước giảm 100 đồng/kg 

Giá cà phê hôm nay, ngày 25/9 có giá dao động từ 47.300 – 47.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hôm qua (24/9).

Trong đó, giá cà phê tại các huyện Ia Grai, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) và một số huyện tại tỉnh Kon Tum đều duy trì ở mức 47.800 đồng/kg.

Riêng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk vẫn được thu mua với giá cao nhất 47.900 đồng/kg (trừ huyện Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ giá cà phê là 47.800 đồng/kg).

Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 47.300 đồng/kg.

Nguồn cung thiếu hụt, vì sao giá cà phê trong nước liên tục giảm? - Ảnh 1.

Dự báo giá cà phê robusta nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại trong ngắn hạn do nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung từ Việt Nam dường như đã cạn kiệt.

Trên thế giới, giá cà phê lại điều chỉnh giảm trở lại, đúng như cảnh báo của giới chuyên gia, cần cẩn trọng với thị trường lúc này bởi giá có thể giật giảm mạnh, để phản ứng với quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các thị trường đã quay lại tăng mua lúc gần cuối phiên giúp giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn hồi phục nhẹ, nhưng khối lượng thương mại rất thấp cho thấy sự thận trọng của giới đầu cơ khi Chỉ số USDX tiếp tục tăng lên gần với “mức cao mọi thời đại”.

Đồng Real tăng giá so với USD cũng đã góp phần hỗ trợ giá cà phê khi người Brazil giảm bán.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này trên sàn quốc tế (ngày 23/9), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 6 USD (0,27%), giao dịch tại 2.232 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 6 USD (0,27%), giao dịch tại 2.219 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 3,10 Cent (1,02%), giao dịch tại 220,45 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 3,15 Cent/lb (1,0%), giao dịch tại 214,1 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Thị trường thế giới vẫn trong bối cảnh suy thoái ở Trung Quốc, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, lạm phát không kiểm soát ở Mỹ, xung đột ở Ukraine… và thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục biến động theo xu hướng tiêu cực.

Lo ngại rủi ro tăng cao, ngay sau khi Fed tuyên bố nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75%, thì Copom, Brazil cũng đã tăng thêm 0,25% với mục tiêu duy trì lãi suất cơ bản ở mức 13,75%/năm, nhằm làm dịu bớt những biến động trong hoạt động kinh tế và cân bằng rủi ro đối với lạm phát trong tương lai.

Giá cà phê sẽ không thể giảm sâu...

Những ngày giữa tháng 9/2022, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm sau các thông tin cho rằng sản lượng cà phê Robusta vụ năm nay của Brazil đạt mức kỷ lục, kết quả sau nhiều năm mở rộng diện tích trồng mới.

Trên sàn giao dịch London, ngày 19/9/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 3,7%, 3,3%, 2,9% và 2,6% so với ngày 9/9/2022, xuống còn lần lượt 2.186 USD/tấn, 2.202 USD/tấn, 2.189 USD/ tấn và 2.161 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 19/9/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 3,5% và 3,1% so với ngày 9/9/2022, xuống còn 218,05 Uscent/lb và 206,5 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng tháng 12/2022 và tháng 3/2023 cùng giảm 3,2% so với ngày 9/9/2022, xuống còn 215,1 Uscent/lb và 209,75 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 19/9/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 9/2023 đều ổn định so với ngày 9/8/2022, lần lượt ở mức 274 Uscent/ lb; 272,75 Uscent/lb; 275,1 Uscent/lb và 257,5 Uscent/lb. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.257 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 53 USD/ tấn (tương đương mức giảm 2,3%) so với ngày 9/9/2022. 

Nguồn cung thiếu hụt, vì sao giá cà phê trong nước liên tục giảm? - Ảnh 2.

Những năm qua giá cà phê thấp khiến người dân giảm diện tích cây trồng này và chuyển sang trồng trái cây có lợi nhuận cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng của niên 2022 - 2023.

Dự báo giá cà phê Robusta nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại trong ngắn hạn do nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi nguồn cung từ Việt Nam dường như đã cạn kiệt, còn nhà sản xuất Brazil và Indonesia ưu tiên dành nguyên liệu cho ngành công nghiệp cà phê hòa tan của quốc gia. Theo các nhà phân tích, thị trường Robusta – London đang đối diện với mức tâm lý 2.200 USD/tấn ngay trước thềm niên vụ cà phê mới 2022/2023 cũng khiến đầu cơ sớm quay lại mua vào. Đối với thị trường cà phê Arabica, giá nhiều khả năng giảm khi giới đầu cơ tiếp tục mạnh tay bán ròng do lo ngại lãi suất sắp tới có thể cao hơn nữa khi mức tăng 1% đã bắt đầu được thị trường quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tăng lãi suất của Fed có thể làm ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế, làm nguy cơ suy thoái trầm trọng hơn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh đạt 2,23 nghìn tấn, trị giá 4,75 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 18% về trị giá so với tháng 7/2022, nhưng so với tháng 8/2021 giảm 35% về lượng và giảm 27,8% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh đạt 34,68 nghìn tấn, trị giá 70,68 triệu USD, tăng 57,9% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Anh đạt mức 2.125 USD/tấn, giảm 3% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 11,1% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Anh đạt mức 2.038 USD/tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu chủng loại: Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 3 chủng loại cà phê sang Anh gồm: Cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang Anh đạt trên 31 nghìn tấn, trị giá 61 triệu USD, tăng 80,7% về lượng và tăng 117,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu cà phê Arabica đạt 162 tấn, trị giá 701 nghìn USD, tăng 1.295,9% về lượng và tăng 1.199% về trị giá; xuất khẩu cà phê chế biến đạt 4,16 triệu USD, tăng 12,3%. 

7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang Anh tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 1.965 USD/tấn. Ngược lại, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica sang Anh giảm 6,9%, xuống còn 4.319 USD/tấn.

Theo Bloomberg, một trong những chỉ báo về việc nguồn cung cà phê thế giới đang thiếu hụt thế nào chính là dữ liệu dự trữ của Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất toàn cầu.

Theo ông Silas Brasileiro, Chủ tịch Hội đồng Cà phê Brazil, hàng tồn kho ở quốc gia Nam Mỹ này có thể giảm xuống chỉ còn 7 triệu bao (60kg/bao) vào tháng 3/2023 - mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngay cả khi lạc quan nhất, giới phân tích cho rằng tồn kho cà phê của Brazil cũng chỉ có thể dao động trong khoảng 9 - 12 triệu bao.

Nguồn cung cà phê của Brazil thấp gây ra tình trạng khan hiếm toàn cầu. Điều này đồng nghĩa giá cà phê có thể tăng cao hơn trong bối cảnh lạm phát lương thực vẫn đang kéo dài dai dẳng.

Các kho dự trữ arabica do sàn ICE Futures giám sát đang ở mức thấp nhất trong 23 năm.

Trong khi đó, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn đang trên đà tăng. Theo các chuyên gia tại hEDGEpoint Global Markets, nhu cầu cà phê năm 2022 có thể tăng 1,5% trong năm nay sau khi tăng 2% vào năm ngoái.

Được biết, về thị trường cà phê trong nước, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết giá cà phê xuất khẩu nước ta trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung đang cạn dần, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho hoạt động xuất khẩu nhưng đến tháng 11 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giữ nguyên ở mức cao thì kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta trong năm 2022 vẫn có thể cán mốc kỷ lục 4 tỷ USD.

Những năm qua giá cà phê thấp khiến người dân giảm diện tích cây trồng này và chuyển sang trồng trái cây có lợi nhuận cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng của niên 2022 - 2023.

Cà phê robusta, nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hòa tan hoặc phối trộn với hạt cà phê arabica để pha espresso, dường như đang quay trở lại đà tăng giá. Thông thường, giá cà phê robusta rẻ hơn rất nhiều so với arabica, do đó trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay, nhu cầu cà phê robusta càng tăng cao.

Tuy nhiên, những biến số từ căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát nhiều nước tăng cao, các ngân hàng trung ương nâng lãi suất là những biến số có thể tác động xấu đến tình hình tiêu thụ cà phê trong thời gian tới.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục