Giá cà phê bật tăng mạnh, đã ngắt được đà giảm?
Giá cà phê hôm nay (21/9) đồng loạt tăng 500 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm
Theo khảo sát trên trang giacaphe.com, giá cà phê hôm nay bật tăng 500 đồng/kg so với hôm qua. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm trong nước đang thu mua cà phê với khoảng giá 47.400 - 48.000 đồng/kg.
Trong đó, mức giá thấp nhất là 47.400 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng sau khi tăng 500 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông điều chỉnh tăng 500 đồng/kg lên chung mức giá 47.900 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng tăng 500 đồng/kg trong hôm nay, đạt mức 48.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê cũng đồng loạt tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 2.218 USD/tấn sau khi tăng 1,46% (tương đương 32 USD).
Giá cà phê Aarabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 228,10 US cent/pound, tăng 1,81% (tương đương 4,05 US cent) tại thời điểm khảo sát sáng nay (giờ Việt Nam).
Trước đó, trước khi đảo chiều, ghi nhận sự phục hồi vào cuối phiên, giá cà phê Robusta lên lại trên mức giá hỗ trợ tâm lý là 2.202. Trong bối cảnh giá cà phê không là ngoại lệ trong xu hướng giá hàng hóa đều chịu áp lực giảm giá, Robusta cần tăng trở lại và duy trì trên vùng 2.260-2.280 mới có thể ngắt được xu hướng giảm giá trong ngắn hạn.
Theo báo cáo tồn kho của Hiệp hội cà phê Bắc Mỹ, tồn kho trong tháng 8 tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra sản lượng robusta của Brazil cũng đạt mức cao trong lịch sử sau nhiều năm mở rộng diện tích trồng mới. Thông tin này tác động làm đà giảm của robusta mạnh hơn Arabica.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica tạm ngắt đà giảm, tiếp tục tăng phục hồi, do được hỗ trợ bởi thông tin tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York tiếp tục giảm và chạm mức thấp nhất trong 23 năm qua ở mức 532.448 bao. Ngoài ra dự báo sản lượng niên vụ tiếp theo sẽ suy giảm cũng giúp Arabica lấy lại phần nào giá trị đã bị mất ở nhiều phiên trước.
Giới phân tích nhận định, giá cà phê Arabica cần tăng phục hồi lại duy trì trên vùng 225 mới tạm thời ngắt được xu hướng giảm của giá. Các chỉ số kỹ thuật hiện cho tín hiệu trung tính vì thị trường cũng đang đứng ngoài quan sát chờ tin lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London đã bật tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 34 USD (1,54%), giao dịch tại 2.236 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 tăng 32 USD (1,46%), giao dịch tại 2.221 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 4,05 Cent (1,83%), giao dịch tại 225,15 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 3,30 Cent/lb (1,52%), giao dịch tại 218,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Thị trường cà phê toàn cầu có thể đối mặt với năm thứ hai liên tiếp cầu cao hơn cung
Phần lớn giới đầu tư đều đang đứng ngoài thị trường để quan sát và chờ thông tin chính thức về mức tăng lãi suất đồng USD của Fed vào cuối ngày hôm nay (21/9). Theo các nhà quan sát, sự biến động mạnh mẽ trên các thị trường hàng hóa là sự lo ngại rủi ro của các giới đầu cơ trước khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sắp tới và sự dịch chuyển dòng vốn để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, trong khi các số liệu báo cáo vào lúc này dường như chỉ là cái cớ nên giá cả tăng/giảm hết sức thất thường.
Đồng Real tăng mạnh so với USD, khiến người Brazil giảm bán cà phê vụ mới đã hỗ trợ giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng vọt do thị trường vẫn còn lo ngại thiếu hụt nguồn cung với những tranh cãi về sản lượng cà phê năm nay của Brazil không cao như đã dự báo. Trong khi đó, giá cà phê hàng thực tại thị trường nội địa Brazil vẫn không thay đổi so với hôm thứ sáu tuần trước.
Safras & Mercado cho biết niên vụ cà phê 2022/23 của Brazil sẽ đạt 58,2 triệu bao (loại 60kg), ít hơn 2,9 triệu bao so với ước tính ban đầu, do điều kiện thời tiết tiêu cực ở các khu vực sản xuất chính.
Nhà phân tích cà phê Gil Barabach của Safras cho biết vùng Cerrado Mineiro, một khu vực sản xuất lớn trong vành đai cà phê chính Minas Gerais của Brazil, báo cáo sản lượng giảm thời tiết lạnh hơn bình thường trong năm nay.
Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Băng giá và hạn hán khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỷ năm ngoái đã ảnh hưởng đến sản xuất. Với tình hình hiện tại của Brazil, có rất ít giải pháp để khắc phục tình hình khan hiếm nguồn cung cà phê trên toàn cầu. Điều kiện thời tiết xấu do hiệu ứng La Nina được dự báo sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới, gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại Brazil. Đồng thời, lượng mưa thấp tại Colombia, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, càng khiến nguồn cung bị siết chặt hơn.
Trong khi đó, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn đang trên đà tăng. Theo Global Markets, nhu cầu cà phê năm 2022 có thể tăng 1,5% trong năm nay sau khi tăng 2% vào năm ngoái. Dự trữ cà phê thấp đến mức ngay cả khi vụ mùa tiếp theo của Brazil có bội thu thì cũng không đủ đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn cung hạn hẹp đã đẩy giá cà phê Arabica giao sau tại New York hiện cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Với tình hình hiện tại của Brazil, có rất ít giải pháp để khắc phục tình hình khan hiếm nguồn cung cà phê trên toàn cầu. Điều kiện thời tiết xấu do hiệu ứng La Nina được dự báo sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới, gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại Brazil. Đồng thời, lượng mưa thấp tại Colombia, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, càng khiến nguồn cung bị siết chặt hơn.
Thời tiết bất lợi cũng đang xảy ra tại các nước trồng cà phê lớn Guatemala, Honduras và Nicaragua. Cùng lúc, tồn kho tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, cũng đang giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng sản lượng trong đợt thu hoạch tới không mấy khả quan.
Những dấu hiệu này cho thấy thị trường cà phê toàn cầu có thể đối mặt với năm thứ hai liên tiếp nhu cầu cao hơn nguồn cung - điều hiếm thấy từ trước đến nay.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 112,53 nghìn tấn, trị giá 266,14 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 giảm 4,0% về lượng, nhưng tăng 12,8% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,25 triệu tấn, trị giá 2,83 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức 2.365 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 7/2022 và tăng 17,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Ý, Nga, Tây Ban Nha, Philippines. 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Angieri. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng trưởng 3 con số; sang Anh, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng 2 con số.
Ngoài yếu tố cung-cầu, hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Bởi, cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Mặt khác, lợi ích thuế quan từ hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này. Xét theo kim ngạch, EU đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 38%.
Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn.
Trong khi đó, Honduras, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ niên vụ 2021/22. Với Costa Rica, niên vụ cà phê tiếp theo cũng được dự báo sẽ khó khăn. Đồng thời, tình hình hạn hán cũng ảnh hưởng tới sản lượng cà phê Robusta của Uganda.
Ngân hàng Citigroup Inc. đã cắt giảm dự báo sản xuất cà phê tại Việt Nam trong năm nay và năm sau do các cuộc khảo sát cây trồng địa phương cho thấy việc mở rộng diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi giá phân bón tăng cao trong năm nay. Nhìn chung, giá các mặt hàng cà phê có thể vẫn duy trì được vùng giá cao từ nay cho đến đầu năm sau.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Vicofa cũng nhận định, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ không giảm và phục hồi trở lại vì nguồn cung cà phê trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023.
Theo thống kê, cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy mô xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Việc đa dạng thị trường trong bối cảnh nào vẫn sẽ là hướng đi tích cực giúp Việt Nam mở rộng cơ hội cho nông sản.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.