Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh khi lạm phát Mỹ tiếp tục tăng

14/09/2022 09:33 GMT+7
Giá cà phê hôm nay (14/9) đồng loạt đi xuống, cà phê trong nước giảm 500 đồng/kg về khoảng 47.200 - 47.800 đồng/kg. Trên các sàn giao dịch kỳ hạn, giá cà phê Robusta và Arabica giảm hơn 1% trong phiên sáng nay.

Giá cà phê hôm nay 14/9: Đồng loạt giảm mạnh

Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 8h43, giá cà phê nội địa giảm 500 đồng/kg so với hôm qua. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm trong nước đang ghi nhận khoảng giá 47.200 - 47.800 đồng/kg. Sau khi giảm 500 đồng/kg. Lâm Đồng đang là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 47.200 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông điều chỉnh giảm 500 đồng/kg xuống chung mức 47.700 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Lắk cũng giảm 500 đồng/kg xuống mức 47.800 đồng/kg trong hôm nay.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê cũng tiếp tục giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 2.232 USD/tấn sau khi giảm 1,06% (tương đương 24 USD).

Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 223,95 US cent/pound, giảm 1,67% (tương đương 3,8 US cent) tại thời điểm khảo sát sáng nay (giờ Việt Nam).

Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh khi lạm phát Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 14/09/2022 lúc 08:54:01

Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh khi lạm phát Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh 2.

Trên các sàn giao dịch kỳ hạn, giá cà phê Robusta và Arabica giảm hơn 1% trong phiên sáng nay.

Giá cà phê Robusta đã đi ngang tích lũy trong nhiều phiên gần đây trong bối cảnh chờ thông tin Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố. Tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn London liên tục ghi nhận giảm. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của Việt Nam giảm 1.2%. Tuy nhiên lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng 15,31%, thông tin này đã kiềm hãm giá cà phê Robusta.

Trong thời gian phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường chờ đợi thông tin CPI Mỹ công bố vào đêm, đồng USD tiếp tục có nhịp điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, giá cà phê cả 2 sàn vẫn giằng co điều chỉnh giảm nhẹ khi dòng tiền đầu cơ tạm thời rót vào vàng và chứng khoán Mỹ.

Giới phân tích cho biết, các chỉ số kỹ thuật vẫn cho tín hiệu trung tính nên dự kiến trong ngắn hạn giá sẽ còn dao động giằng co trong biên độ 2.200-2.360.

Trong khi đó, đối với cà phê Arabica, đồng Real tăng mạnh, hiện đang giao dịch quanh mức 1 USD = 5.0970 BRL. Tỷ giá này không còn đủ hấp dẫn nông dân Brazil đem hàng ra bán.

Thông tin có mưa tại một số vùng của Brazil và dự báo sẽ tiếp tục mưa trong 2 tuần tới đã giúp thị trường bớt lo ngại về tình trạng thời tiết khô hanh tại các vùng trồng cà phê trọng điểm ở Brazil. Giá cà phê Arabica vì thế cũng mất đi lực hỗ trợ tăng giá và giảm mạnh hơn nhịp giảm của cà phê sàn London.

Theo phân tích kỹ thuật, trong ngắn hạn động lượng giảm giá của cà phê Arabica vẫn còn với vùng hỗ trợ gần là 220-221.

Chốt phiên giao dịch hôm qua ngày 13/9, trên sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 đã giảm 24 USD (1,06%), giao dịch tại 2.239 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 22 USD (0,98%), giao dịch tại 2.230 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 4,05 Cent (1,80%), giao dịch tại 220,70 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 3,75 Cent/lb (1,71%), giao dịch tại 215,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Trước đó, những ngày đầu tháng 9/2022, thị trường cà phê toàn cầu đón nhận thông tin không mấy tính cực. Lạm phát tăng cao, mối lo ngại về suy thoái kinh tế tại khu vực Eurozone và áp lực bán hàng vụ mới của Brazil khiến giá cà phê thế giới giảm trở lại. 

Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê năm 2022 của nước này ước đạt 53,7 triệu bao loại 60 kg, tăng 0,9% so với dự báo trước đó và tăng 9,6% so với năm 2021. Sự gia tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 8 là do dự báo sản lượng cà phê Conilon Robusta cao hơn.

Trên sàn giao dịch London, ngày 9/9/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 0,5%, 0,1%, 0,2% và 0,6% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 2.269 USD/tấn, 2.276 USD/tấn, 2.255 USD/tấn và 2.218 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/9/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 và tháng 12/2022 cùng giảm 6,7% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 225,85 Uscent/ lb và 222,2 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 5/2023 cùng giảm 6,5% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 216,7 Uscent/lb và 213,2 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 9/9/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 4,5%, 4,0% và 3,7% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 274 Uscent/lb; 272,75 Uscent/lb và 275,1 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.310 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 24 USD/tấn (tương đương mức giảm 1,0%) so với ngày 29/8/2022. 

Giá cà phê sẽ còn chịu áp lực giảm trong ngắn hạn

Dự báo giá cà phê thế giới sẽ còn chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, giá sẽ tăng trở lại. Ngân hàng đầu tư Rabobank đã điều chỉnh dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 giảm 1,92% xuống mức 169 triệu bao và vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,30 triệu bao. Do đó, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 1,3 triệu bao. 

Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Columbia, nước này cũng đang gặp khó khăn trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn. Tại Hondurat, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ niên vụ 2021/22. Tại Costa rica, niên vụ cà phê tiếp theo cũng được dự báo sẽ khó khăn. Còn tại Uganda, tình hình hạn hán cũng ảnh hưởng tới sản lượng cà phê Robusta của nước này.

Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh khi lạm phát Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh 3.

8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,25 triệu tấn, trị giá 2,83 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Những ngày đầu tháng 9/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm theo giá thế giới. Ngày 9/9/2022, giá cà phê Robusta giảm 300 đồng/kg so với ngày 29/8/2022, xuống mức thấp nhất 48.000 đồng/kg (tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất 48.600 đồng/kg (tỉnh Đắk Lắk); 48.500 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 112,53 nghìn tấn, trị giá 266,14 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 giảm 4,0% về lượng, nhưng tăng 12,8% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,25 triệu tấn, trị giá 2,83 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh khi lạm phát Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức 2.365 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 7/2022 và tăng 17,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Ý, Nga, Tây Ban Nha, Philippines. 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Angieri. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng trưởng 3 con số; sang Anh, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng 2 con số.

Giá cà phê đồng loạt giảm mạnh khi lạm phát Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức cao, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Vicofa cũng nhận định, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, Phúc Sinh Group - doanh nghiệp lớn về xuất khẩu cà phê nhận định, ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 - 40% vì cả thế giới đang thích ứng với Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Và giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 - 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.

Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Riêng với thị trường Anh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực mang lại nhiều triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường này.

Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành cà phê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.

Hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Anh, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.

Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc để tăng kim ngạch cho toàn ngành. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc trong tháng 6/2022 đạt 54,43 triệu USD, tăng 1% so với tháng 5/2022 và tăng 8,7% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 252,82 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục