Nguồn vốn giá rẻ đổ về Ngân hàng Nhà nước: “Ông lớn” quốc doanh bất lợi?

06/11/2019 13:58 GMT+7
Từ 1/11, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải đổ về tài khoản tổng hợp của KBNN tại Trung ương tại Sở Giao dịch – Ngân hàng Nhà nước thay vì nằm tại các ngân hàng thương mại như hiện tại. Theo giới tài chính, điều này sẽ tạo chủ động cho Ngân hàng Nhà nước nhưng lại “bất lợi” cho các ngân hàng.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2019, tính đến ngày 30/9, tổng giá trị tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ba ngân hàng VietinBank, Vietcombank và BIDV đạt gần 229.500 tỷ đồng, giảm hơn 11.400 tỷ đồng, tương đương 4,7% so với cuối năm 2018.

Tiền gửi của KBNN tại 3 "ông lớn" quốc doanh lên tới gần 230.000 tỷ đồng

Trong ba ngân hàng chỉ có duy nhất VietinBank là có tăng trưởng tiền gửi của KBNN còn tại hai ngân hàng còn lại cùng ghi nhận sụt giảm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2019 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), quy mô tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại đây đã giảm từ mức hơn 87.095 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỷ đồng tại 30/9/2019.

Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (nguồn vốn có chi phí thấp với lãi suất chỉ 0,2%/năm) sụt giảm mạnh từ 31.095 tỷ đồng (gồm cả ngoại tệ quy đổi) cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.333 tỷ đồng tại 30/9/2019. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn lại tăng từ 56.000 tỷ đồng lên 69.250 tỷ đồng. Qua đó, kéo tỷ trọng tiền gửi KBNN không kỳ hạn tại Vietcombank giảm từ 36% xuống 7%.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tiền gửi của Kho bạc Nhà nước giảm nhẹ từ 70.432 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 68.548 tỷ đồng tại 30/9/2019, nhưng đặc biệt giảm mạnh ở tiền gửi không kỳ hạn từ 19.432 tỷ đồng xuống còn 5.298 tỷ đồng. Tỷ trọng của tiền gửi KBNN không kỳ hạn giảm tương ứng từ gần 21% xuống còn 6%.

Ngoài ra tại BIDV kỳ báo cáo này còn ghi nhận nguồn tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm mạnh, từ hơn 24.163 tỷ đồng cuối 2018 xuống còn hơn 15.662 tỷ đồng.

Ngược lại, tại VietinBank, khoản tiền của KBNN ghi nhận tăng trưởng 19%, tương đương 11.500 tỷ đồng.

Riêng Agribank, hiện ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý III nhưng theo số liệu bán niên, lượng tiền gửi của KBNN tại đây cũng đã giảm từ 48.739 tỷ đồng tại cuối năm 2018 xuống còn 45.182 tỷ đồng vào ngày 30/6.

Tạo chủ động cho Ngân hàng Nhà nước, "bất lợi" cho các NHTM Nhà nước

Từ trước đến nay, nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN thường nằm tại các NHTM với số dư hàng ngày lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Lượng tiền gửi này hầu hết nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn hoặc tiền gửi có kỳ hạn ngắn.

Đáng chú ý, phần lớn tiền gửi thanh toán của KBNN tập trung tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn (NHTM Nhà nước) là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank. Qua đó, giúp các ngân hàng này có được một lượng vốn lớn với chi phí khá rẻ phục vụ cho cho các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2019/TT-BTC quy định về quản lí và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các NHTM, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11.

Theo quy định mới, toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN phải đổ về tài khoản tổng hợp của KBNN tại Trung ương tại Sở Giao dịch – NHNN vào cuối ngày giao dịch thay vì nằm tại các NHTM như hiện tại.

Kết chuyển tiền gửi của KBNN về Ngân hàng Nhà nước: “Ông lớn” quốc doanh bất lợi? - Ảnh 2.

Các "ông lớn" quốc doanh sẽ gặp bất lợi nếu nguồn tiền gửi KBNN kết chuyển về NHNN

Theo chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc kết chuyển tiền của KBNN về sở giao dịch NHNN là phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện tại, nguồn tiền gửi của KBNN tại các quốc gia khác cũng được kết chuyển tại Ngân hàng Trung ương các nước thay vì để tại các NHTM lớn như thực tế của Việt Nam trong thời gian qua.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước muốn lấy lại sự chủ động trong chính sách tiền tệ, bởi với trình trạng "dàn trải" nguồn tiền KBNN như hiện nay Ngân hàng Nhà nước khi ban hành chính sách tiền tệ sẽ không tính toán được hết tác động hoặc chính sách tiền tệ sẽ bị vô hiệu. "Một khi quy về một mối, NHNN sẽ kiểm soát và tính toán đầy đủ nhất nguồn cung tiền cung tiền ra nền kinh tế và nâng cao hiệu lực điều hành", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đổi lại, nếu như chuyển nguồn tiền này được đổ về sở giao dịch NHNN, bất lợi sẽ đến các NHTM lớn. Theo tính toán, đến cuối tháng 9/2019 lượng tiền gửi của KBNN tại 3 "ông lớn" đã lên tới gần 230 nghìn tỷ đồng – một con số không hề nhỏ. Điều đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực tới hoạt động của các NHTM này, đặc biệt là chi phí vốn sẽ gia tăng là khó tránh khỏi.

"Bài toán đặt ra với các ngân hàng trong thời gian tới đó là cân đối cung cầu vốn khi "hụt" nguồn tiền của KBNN. Ngoài ra, việc các ngân hàng thiếu hụt nguồn vốn giá rẻ lớn từ tiền gửi của KBNN, đồng nghĩa với việc các NH này phải tăng lãi suất để tìm nguồn vốn bù đắp. Vô hình chung, mặt bằng lãi suất sẽ vận động theo hướng cạnh tranh lên, khó giảm lãi suất cho vay như kỳ vọng", chuyên gia BVSC khẳng định thêm.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục