Nhập khẩu điều tăng chóng mặt, có nên mở rộng diện tích trồng điều?

18/06/2021 07:33 GMT+7
Nhập khẩu điều thô tăng chóng mặt gần 300% khiến không ít người ngỡ ngàng. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng điều để tăng thu nhập cho người dân.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, điều là một trong những nhóm hàng chủ lực của nông nghiệp, có giá trị xuất khẩu tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2021 đạt 216 nghìn tấn, thu về 1,29 tỷ USD, tăng 18,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là ba thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 26,5%, 16,7% và 9,8% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra thực tế, lượng hạt điều nhập khẩu đang tăng kỷ lục.

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn hạt điều, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng tới gần 237% về khối lượng và tăng 273% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm, số lượng điều thô nhập khẩu từ Campuchia lên 836.712 tấn.

Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn hạt điều, trị giá 2,2 tỷ USD.

Trao đổi với báo chí, Tổng thư ký Vinacas Đặng Hoàng Giang cũng cho biết, thực sự bất ngờ khi nhập khẩu điều thô Campuchia tăng vọt so với các năm trước.

Vì vậy, Vinacas đang thu thập thêm thông tin từ các đơn vị thành viên và làm việc với hải quan để làm rõ số liệu từ Campuchia.

Theo Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương), do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Ấn Độ và Nhật Bản nên xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang 2 thị trường trên gặp nhiều khó khăn.

Hạt điều của Campuchia chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam bằng đường bộ, nên không bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container rỗng.

Từ cuối tháng 4, mùa thu hoạch điều ở các vùng trọng điểm trong nước lẫn Campuchia bước vào giai đọan kết thúc.

Hạt điều của Campuchia cũng gặp vấn đề tương tự như điều Việt Nam khi cuối vụ, sản lượng giảm dần, chất lượng cũng giảm do mưa nhiều và sâu bệnh

Việc Campuchia xuất bán một lượng lớn điều thô ra thế giới như thế như thống kê của Tổng Cục Hải Quang sẽ tác động trực tiếp đến giá chào bán điều thô của các nước từ châu Phi.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đề xuất Bộ NN&PTNT nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng điều ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp.

Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới trên 3,3 tỷ USD/năm nhưng ngành điều vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn để sản xuất nhân điều xuất khẩu.

"Nếu có thể sản xuất thêm điều thô trong nước thì không những giúp được ngành điều tự chủ hơn về nguyên liệu mà còn tạo thêm được việc làm và thu nhập cho bà con nông dân", Bộ Công Thương cho biết.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điều trong tháng 5 đạt gần 272 nghìn tấn, giá trị gần 386,5 triệu USD, giảm 42% về lượng và giảm hơn 49% về giá trị so với tháng 4.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu điều đạt hơn 1,4 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2,2 tỷ USD tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu điều trong tháng 5 đạt 1.422 USD/tấn, giảm 13% so với tháng 4, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 5 tháng đầu năm, giá nhập khẩu trung bình hạt điều đạt 1.655 USD/tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, Campuchia, Tanzania và Bờ Biển Ngà là 3 thị trường cung cấp hạt điều chính cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 86% thị phần.

Đáng chú ý, nhập khẩu từ Campuchia, thị trường lớn nhất trong tháng 5 đạt 105 nghìn tấn, tương đương 182,5 triệu USD, giảm 75% về lượng và giảm 74% về giá trị.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu điều từ Campuchia đạt hơn 939 triệu tấn, tương đương hơn gần 1,6 tỷ USD, tăng 395% về lượng, tăng 550% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 66% tổng lượng nhập khẩu điều của cả nước.


An Vũ
Cùng chuyên mục