Nhiều địa phương bám sát tinh thần Nghị quyết 18 trong bảo vệ người tiêu dùng
Tại Báo cáo kết quả ba năm triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đàng, và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc đồng bộ, triển khai thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao.
Về phía các địa phương đây là một nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả toàn diện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Liên quan đến nội dung này, báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương cho biết, có 24/54 địa phương đã ban hành các nội dung chỉ đạo thực hiện.
Kết quả Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, các tỉnh, thành phố cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, có việc tham gia đóng góp ý kiến đối với nhiều văn bản quan trọng.
Đồng thời, một số kết quả trong việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp 02 tại các địa phương có thể kể tới như rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách có liên quan để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
Đây là nội dung được các địa phương rất quan tâm, bên cạnh việc đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản của các cơ quan Trung ương, UBND nhiều tỉnh, thành phố cũng đã triển khai tương đối tốt việc rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách có liên quan.
Một điểm đáng lưu ý khác, trong thời gian qua các địa phương cũng dần hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở cấp ngành địa phương, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với Bộ Tài chính, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, và tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, Bộ Tài chính được giao hai nhiệm vụ gồm: Tổng hợp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng, quản lý, chia sẻ các thông tin có liên quan thuộc thẩm quyền (đặc biệt là trong các lĩnh vực hải quan, thuế…) để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện việc bố trí kinh phí cho một số nhiệm vụ được giao. Trong đó, tổng số khoảng hơn 10 tỷ đồng cho Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, các sự kiện hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Đề án cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc xây dựng văn bản pháp luật và chia sẻ thông tin theo yêu cầu, đề nghị có liên quan đến lĩnh vực hải quan, thuế…
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang rà soát, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý ở các nội dung.
Liên quan đến chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh thành lập và hoạt động của các tổ chức kiểm định nhất là các tổ chức thực hiện hoạt động phân tích, kiểm định, đánh giá về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp phép cho 777 tổ chức đánh giá sự phù hợp trong đó 586 tổ chức thử nghiệm, 107 tổ chức chứng nhận, 79 tổ chức giám định, 5 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ còn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường kiểm soát hàng hóa dịch vụ lưu thông trên thị trường thông qua việc kiểm soát quản lý tiêu chuẩn TCVN, ISO hoặc phối hợp với Tổng Cục quản lý thị trường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp.