"LVMH của Trung Quốc" vỡ nợ 1 tỷ USD và làn sóng vỡ nợ trái phiếu toàn cầu
Thêm 1 vụ vỡ nợ trái phiếu tỷ USD ở Trung Quốc
Tập đoàn thời trang nổi tiếng Trung Quốc Shandong Ruyi Technology Group hôm 14/12 vừa bỏ lỡ thời hạn thanh toán trái phiếu trong nước trị giá 1 tỷ NDT (152,9 triệu USD).
Ngân hàng Quốc doanh Bank of Communications, nhà bảo lãnh trái phiếu Shandong Ruyi Technology Group tối 14/12 tuyên bố tập đoàn thời trang này hiện không có đủ tiền để thanh toán lượng trái phiếu 1 tỷ NDT. Bank of Communications cho hay đang thúc giục Shandong Ruyi Technology Group gom đủ tiền mặt để hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư số tiền 1 tỷ NDT kèm theo 75 triệu USD lãi suất (7,5% trong 3 năm).
Phía Shandong Ruyi Technology Group hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ vỡ nợ trái phiếu mới nhất. Được biết, tập đoàn này từng liên lạc với các trái chủ và ngân hàng bảo lãnh để lên kế hoạch tổ chức họp khẩn vào hôm 8/12, một tuần trước ngày đáo hạn. Nhưng cuộc họp sau đó đã bị hoãn lại mà không rõ lý do.
Đáng lẽ Shandong Ruyi Technology Group đã phải trả khoản thanh toán trái phiếu 1 tỷ NDT kèm lãi suất vào ngày 15/3 năm nay, nhưng các trái chủ đã đồng ý hoãn thanh toán hai lần liên tiếp với thời hạn lần lượt là 15/6 và 15/12 do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.
Tập đoàn thời trang nổi tiếng này từng được mệnh danh là "LVMH của Trung Quốc" sau hàng loạt thương vụ mua lại trang trại bông lớn nước Úc Cubbie Station hay các thương hiệu thời trang tuổi đời hàng thế kỷ Aquascutum và Renown của Nhật Bản. Nhưng các thương vụ phần lớn được tài trợ bởi những khoản vay nặng lãi bên ngoài. Chính điều này đã tạo sức ép tài chính khổng lồ cho Shandong Ruyi Technology Group trong năm nay, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hàng loạt đơn hàng trên toàn cầu.
Theo tiết lộ tài chính mới nhất của Ruyi, trong quý I năm nay, công ty chỉ có 4,58 tỷ NDT tiền mặt trong bảng cân đối kế toán hợp nhất. Trong khi đó, tổng số nợ vay ngắn hạn và nợ ngắn hạn đến hạn trong năm lên tới 14,36 tỷ NDT.
Moody's Investors Service đã xếp hạng Shandong Ruyi Technology Group ở mức "Caa3", tức có rủi ro tín dụng rất cao. Đánh giá hàng năm được Moody’s công bố hồi tháng 8 chỉ ra “rủi ro tái cấp vốn” của doanh nghiệp, “do các khoản nợ khổng lồ sắp đến hạn và tình hình thanh khoản yếu”.
Vụ việc mới nhất của Shandong Ruyi Technology Group đã kéo dài thêm danh sách những vụ vỡ nợ làm chao đảo thị trường trái phiếu Trung Quốc suốt thời gian qua.
Các vụ vỡ nợ tăng trên toàn cầu
Không riêng doanh nghiệp Trung Quốc, tờ Nikkei Asian Review chỉ ra ngày càng nhiều công ty trên toàn cầu vỡ nợ trái phiếu vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Dữ liệu cho thấy tính từ đầu năm đến nay, khoảng 223 đại công ty đã vỡ nợ trái phiếu, gấp đôi con số cùng kỳ năm 2019.
Tại Mỹ và Châu Âu, số vụ vỡ nợ trái phiếu cũng ngày càng tăng bất chấp mức lãi suất thấp kỷ lục. Theo dữ liệu do S&P Global tổng hợp, các vụ vỡ nợ ở Mỹ đã tăng 80% lên 143 vụ trong năm 2020, trong khi các vụ vỡ nợ ở Châu Âu tăng mạnh 2,8 lần lên 42 vụ.
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu ở các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Trung Quốc, tăng 30% lên 28. Chỉ riêng ở Trung Quốc, kể từ tháng 11, tổng giá trị lượng trái phiếu doanh nghiệp bị hoãn hoặc không thể thanh toán lên tới 200 tỷ NDT (30,5 tỷ USD). Đặc biệt, số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước đang tăng vọt, phản ánh việc Bắc Kinh dường như đang “bỏ mặc” và ngầm chấp nhận sự vỡ nợ ở khu vực công.
60% các vụ vỡ nợ trái phiếu trên toàn cầu tập trung vào 4 ngành chủ lực bao gồm năng lượng và hàng tiêu dùng. Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, tốc độ phục hồi của các ngành này vẫn sẽ chậm chạp.
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ vỡ nợ trái phiếu gia tăng trên toàn cầu là do nợ công ty đang tăng vọt.
Dữ liệu của QUICK-Factset về 34.000 công ty niêm yết trên toàn thế giới (không bao gồm lĩnh vực ngân hàng) cho thấy trong năm tài chính 2020, tỷ lệ các công ty phải trả lãi vay nhiều hơn cả lợi nhuận trước lãi vay và thuế trong ba năm liên tiếp là 26,5% - con số cao kỷ lục. Một thập kỷ trước, con số này chỉ là 20%. Tại Mỹ, tỷ lệ này tăng 12% trong thập kỷ qua. Còn tại Trung Quốc, mức tăng tương ứng là 11%.
Việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 là hết sức quan trọng để duy trì hoạt động kinh tế nói chung. Nhưng các chuyên gia cho rằng nếu chính phủ tiếp tục hỗ trợ các công ty mắc nợ quá mức cần thiết, các công ty đó sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế nói chung.