Nhức nhối "quỵt nợ", lo công ty tài chính chính thức bị lấn át

16/11/2023 11:44 GMT+7
Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 - mức tăng rất thấp so với 5 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%.

Ngày 16/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và vấn đề thu hồi nợ hiện nay.

Tín dụng tiêu dùng "nhích" chậm, nợ xấu phình to

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Vay tiêu dùng: Nhức nhối "quỵt nợ", thu hồi nợ - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo ông Hùng, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; Các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ" tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý…

"Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.

Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, tín dụng tiêu dùng là xu hướng và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện, quy mô dư nợ vay tiêu dùng/GDP đạt trên 20%; trong khi đó tỷ lệ trung bình 60-70% GDP tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia... Số liệu trên cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn.

Về phía ngành ngân hàng cũng đã xây dựng hành lang phát lý và thường xuyên cập nhật, hoàn thiện hành lang phát lý, cấp phép cho các công ty tài chính hoạt động. Tạo sự an toàn lành mạnh cho hoạt động này.

Tín dụng tiêu dùng đang từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức và tránh xa tín dụng đen. Tuy nhiên, thời gian gần đây tín dụng tiêu dùng tăng chậm? "Vì sao giảm, giảm nhu cầu của nền kinh tế hay do tổ chức tín dụng, hay do cơ chế chính sách chưa đảm bảo được để hoạt động này phát triển?", ông Tú nói và yêu cầu làm rõ.

Phó Thống đốc cũng thẳng thắn thừa nhận, cơ chế chính sách không có quy định siết chặt, khuôn khổ pháp lý đủ rộng cho các công ty lĩnh vực này hoạt động, theo Phó Thống đốc. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại, củng cố để tăng cường nâng cao năng lực quản lý, tài chính của các công ty tài chính được thực hiện quyết liệt trong những năm qua.

"Rõ ràng là câu chuyện có vấn đề" – Phó Thống đốc nhấn mạnh. Ông nói thêm, quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Hơn nữa, nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển.

Một thực tế khác, đó là việc hiện tại có nhiều công ty tài chính trá hình, nhập nhằng giữa tổ chức không được hoạt động cho vay và các tổ chức được cấp phép hoạt động chính thức.

Ông Tú cho rằng, những vấn đề này cần được giải quyết, cần có quy định nếu không bản thân các công ty tài chính thức bị lấn át, bị mất niềm tin của thị trường.

Vay tiêu dùng: Nhức nhối "quỵt nợ", thu hồi nợ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng thì nhìn nhận, việc nhiều người dân chưa phân biệt được hoạt động cho vay của công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép thành lập với cho vay qua app, cho vay cầm đồ, tín dụng đen là một trong khiến nợ xấu tiêu dùng tăng cao.

Ông nêu rõ: Thời gian gần đây, tình trạng khách hàng "bùng nợ" tăng cao, bên cạnh lý do kinh tế suy thoái, bất ổn định còn có lý do chính yếu và không kém quan trọng là sự đánh đồng, hiểu sai của xã hội về mô hình hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống với "tín dụng đen" sau khi phương tiện truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng kiểm tra, phong tỏa trụ sở làm việc của các công ty tài chính tiêu dùng đã tạo nên sự hiểu nhầm các công ty tài chính này hoạt động phi pháp nên người vay không cần trả nợ.

Ngoài ra,các hình thức tín dụng đen trực tuyến như các trang thông tin điện tử, ứng dụng di động giả mạo, trá hình trên thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt đã gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng. Khách hàng rất khó phân biệt được trang thông tin điện tử/ứng dụng di động giả mạo với trang thông tin điện tử/ứng dụng di động chính thống của công ty tài chính được NHNN cấp phép thành lập và hoạt động, từ đó nhiều khách hàng lo lắng và chưa sẵn sàng thanh toán nợ vay.

Nợ xấu còn phát sinh từ việc, nhiều người khi vay tiền có thái độ hạn chế về sự thành thật, không trung thực khai báo thông tin cá nhân và trách nhiệm trong việc hoàn trả khoản vay. Họ không hiểu rõ tầm quan trọng của việc thanh toán đúng hạn, đầy đủ và thậm chí có những suy nghĩ sai lệch và chủ đích gian lận khi làm hồ sơ vay.

Bên cạnh đó, tình trạng rủ nhau "bùng nợ tập thể" đã trở thành trào lưu rất tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi nợ.

Về kiến nghị giải pháp, ông Bùi Đức Tài – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đề nghị Hiệp hội ngân hàng hướng dẫn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên thực hiện một số nội dung.

Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, TCTD trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan.

Hai là, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động, việc chấp hành các quy định của các ngân hàng, TCTD để chấn chỉnh các hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.

Ba là, rà soát, khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bốn là, ứng dụng hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư và CSDL để xác thực, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng "ảo"; hỗ trợ ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, phòng chống HĐ TDĐ nói riêng.

Năm là, phối hợp, cung cấp các thông tin có liên quan đến các hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản các hành vi khác có dấu hiệu tội phạm do ngành ngân hàng phát hiện để xử lý.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục