"Số phận" gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân, người lao động

01/11/2023 07:17 GMT+7
Sau gần 2 năm triển khai gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân, người lao động đã được giải ngân gần 7.000 tỷ đồng.

Đó là thông tin được bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ảnh dưới) chia sẻ tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen".

Tuy nhiên, bà Hà cho biết, trong đó chỉ có 300 tỷ đồng được vay với mức lãi suất từ 15-25%/năm, còn lại 6.700 tỷ đồng cho vay theo mức lãi suất áp dụng cho khách hàng dân sự bình thường của các công ty tài chính.

"Số phận" gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân, người lao động - Ảnh 1.

Nguyên nhân khiến số lượng công nhân tiếp cận được với mức lãi suất ưu đãi thấp, theo bà Hà, là do nhận thức của người lao động với hoạt động tín dụng hạn chế. Người lao động chưa hiểu cặn kẽ về gói tín dụng này, ngay cả cán bộ công đoàn còn chưa phân biệt được mức lãi suất cho vay của công ty tài chính và mức lãi suất cho vay của ngân hàng...

Bên cạnh đó, nhiều công nhân cho rằng mức lãi suất ưu đãi còn cao. Mặt khác, chưa có sự hợp tác của các doanh nghiệp sử dụng lao động. "Để được vay vốn gói 20.000 tỷ đồng, doanh nghiệp sử dụng lao động phải cung cấp thông tin người vay, thông tin về tiền lương của người lao động và thông tin về quản lý lao động của doanh nghiệp… với 2 công ty tài chính. Tuy nhiên, người sử dụng lao động lại rất e ngại", bà Hà cho hay.

Một nguyên nhân nữa là mục đích vay của người lao động đang có vấn đề. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam, đa số người lao động được hưởng lãi suất ưu đãi của gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng là những đối tượng làm việc trong khu vực bền vững, thu nhập bền vững... Song còn phần lớn khách hàng vay vốn trực tiếp qua 2 công ty tài chính có mục đích vay không phải sử dụng để đóng học phí cho con, tiêu dùng trong gia đình… đã tạo ra nợ xấu cao cho các công ty tài chính tiêu dùng.

Dưới góc nhìn từ phía công ty triển khai gói tín dụng này, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty HD Saison, chia sẻ khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai đó là sự hợp tác, thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan các cấp và đặc biệt là công đoàn cơ sở.

"Quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng của công nhân hiện nay rất lớn, dự báo có thể lên tới 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong công tác triển khai còn nhiều khó khăn, nhưng khó khăn chủ yếu là nhận thức của người đi vay, cơ quan quản lý và công tác truyền thông còn hạn chế", ông Đức nói.

Để việc triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng hiệu quả, công nhân hưởng được mức lãi suất ưu đãi từ 15-25%/năm, ông Đức cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông trong thời gian tới. Đồng thời, công đoàn cơ sở, chủ doanh nghiệp phải phân biệt được tài chính chính thống và tín dụng đen.

"Bản thân cán bộ công đoàn cơ sở phải nhận thức được lợi ích gói vay tiêu dùng thì mới đẩy lùi được tín dụng đen", ông Đức nhấn mạnh.

Về kiến nghị mức lãi suất cho vay còn cao, ông Đức cho rằng, các công ty tài chính luôn muốn hạ lãi suất cho vay, nhưng mức lãi suất cho vay không phụ thuộc vào các công ty tài chính, mà người vay quyết định mức lãi suất. "Nếu người vay có ý thức trả nợ tốt, rủi ro mang lại cho các công ty tài chính được kiểm soát thì lãi suất cho vay sẽ giảm", ông Đức nói.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, gói vay hỗ trợ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên toàn quốc do Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD SAISON) thuộc HDBank và một công ty tài chính thuộc VPBank triển khai, với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, mỗi ngân hàng triển khai gói 10.000 tỷ đồng với với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân. Về bản chất, đây là gói tín dụng tín chấp, cho vay dựa trên uy tín của người vay, không cần đảm bảo bằng thế chấp tài sản.

Chương trình lớn, lãi suất ưu đãi, phù hợp với nhu cầu của người lao động, công nhân đang khó khăn cần được hỗ trợ an sinh đời sống, yên tâm lao động sau đại dịch.

H.Anh
Cùng chuyên mục