Những rủi ro tiềm ẩn khi cầm cố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

11/01/2021 19:30 GMT+7
Khi có nhu cầu vay tiền, nhiều người chọn phương án cầm sổ đỏ (Giấy chứng nhận) tại cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, ít ai biết việc cầm cố Giấy chứng nhận là không được phép luật và tiềm ẩn không ít rủi ro.

Người dân không được cầm cố Giấy chứng nhận?

Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, để cầm cố thì đối tượng cầm cố phải là tài sản và bên cầm cố phải giao tài sản của mình cho bên nhận cầm cố. Để biết có được cầm cố Giấy chứng nhận hay không thì phải xem sổ đỏ có phải là tài sản không? Người dân có quyền cầm cố quyền sử dụng đất, nhà ở không? Cụ thể:

Giấy chứng nhận không phải là tài sản

Căn cứ khoản 1 Điều 105, Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sử dụng đất là tài sản (là quyền tài sản).

Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất"

Như vậy, Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Hay nói cách khác, Giấy chứng nhận không phải là tài sản.

Những rủi ro tiềm ẩn khi cầm cố Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh 1.

Ít ai biết việc cầm cố sổ đỏ là không được phép luật và tiềm ẩn không ít rủi ro.

Người dân không được cầm cố nhà đất

Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai.

Ngoài ra, chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền: Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó (theo điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014).

 Rủi ro khi cầm cố Giấy chứng nhận ở tiệm cầm đồ

 trên thực tế hoạt động cầm cố không đơn giản, thậm chí có nhiều biến tướng, tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với bên cầm cố.

- Về lãi suất: Lãi suất cầm cố thường rất cao, vượt nhiều lần mức quy định của pháp luật. Tùy tính chất của tài sản cầm cố mà hai bên thỏa thuận lãi suất vay tiền nhưng đều dựa trên nguyên tắc tài sản có rủi ro cao thì lãi suất vay cao và ngược lại. Khi vay với lãi suất cao mà bên cầm cố không có khả năng trả gốc và lãi đúng hạn thì có thể bị bên nhận cầm cố xử lý tài sản.

Trên thực tế, do quá cần tiền mà không thể vay ngân hàng hoặc không muốn vay ngân hàng do thủ tục phức tạp, giải ngân chậm nên vẫn nhiều người chấp nhận lãi suất cao để được vay tiền, đáp ứng yêu cầu công việc cấp bách.

Bên cạnh đó, một số tiệm cầm đồ còn lách luật bằng cách thu luôn tiền lãi vay của khách nhưng vẫn yêu cầu khách hàng ký nhận đã nhận đủ số tiền vay gốc và ghi lãi suất ở mức không vi phạm pháp luật. Khi có tranh chấp, bên cầm cố rất khó chứng minh lãi suất thực giữa các bên là bao nhiêu.

- Về việc giải quyết tranh chấp: Bên cầm cố trả không đúng hạn có thể bị bên nhận cầm cố gây áp lực, đe dọa sức khỏe, tính mạng, danh dự của người cầm cố hoặc người thân của họ. Trong những trường hợp này, tài sản cầm cố thường không có khả năng bán để thu hồi nợ như sổ đỏ, sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân...

Khi bị gây áp lực, bên cầm cố cũng ngại báo cơ quan công an do lo sợ bản thân họ hoặc người thân bị trả thù.

- Về quản lý tài sản cầm cố: Thông thường, bên nhận cầm cố không được sử dụng tài sản cầm cố. Tuy nhiên, một số trường hợp bên nhận cầm cố tự ý sử dụng tài sản (mô tô, xe máy...) và gây hư hỏng nghiêm trọng. Lúc này tranh chấp dân sự sẽ rất phức tạp, bên thiệt thòi sẽ thường là bên cầm cố.

Một số trường hợp khác khi giao nhận tài sản không có biên bản ghi nhận hiện trạng tài sản một cách chi tiết, rõ ràng dẫn đến không có căn cứ giải quyết khi tài sản bị hư hỏng, hủy hoại, mất mát.

A.Vũ
Cùng chuyên mục