Nợ ẩn mà Trung Quốc "gieo" ở các nước đang phát triển có thể là con số khổng lồ
AidData, một cơ quan nghiên cứu phát triển quốc tế có trụ sở tại Đại học William & Mary, Virginia, Mỹ đã phân tích 13.427 dự án phát triển do Trung Quốc tài trợ với trị giá tổng cộng 843 tỷ USD tại 165 quốc gia trong 18 năm qua, từ 1999-2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đã cung cấp nguồn vay khổng lồ cho các nước đang phát triển suốt 2 thập kỷ qua, bao gồm cả tài trợ cho các dự án khu vực công và tư.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là sáng kiến chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến ra mắt vào năm 2013 nhằm đầu tư vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính và phát triển quốc tế.
Theo báo cáo của AidData, Trung Quốc hiện chi ít nhất gấp đôi Mỹ và các cường quốc kinh tế khác cho tài chính phát triển quốc tế, với mức chi trung bình 85 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, khoản chi khổng lồ này thường được phân bổ ở dạng nợ hơn là viện trợ. Sự mất cân đối này đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường ra đời, tỷ lệ các khoản vay trên tài trợ lên tới 31/1, nghĩa là cứ 31 khoản vay mới có 1 khoản tài trợ.
Tuy nhiên, bản thân các khoản tài trợ của Trung Quốc vẫn còn nhiều điều khoản thiếu minh bạch hoặc thiếu thông tin, khiến các nhà phân tích quốc tế thận trọng.
Thực tế, Trung Quốc từ lâu đã phủ nhận việc gieo rắc “bẫy nợ” ở các quốc gia đang phát triển thông qua các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhiều nhà quan sát cáo buộc Sáng kiến này đang mở đường cho Bắc Kinh “siết” các tài sản công làm tài sản thế chấp nếu một quốc gia không thể hoàn tất nghĩa vụ thanh toán nợ.
Các tài sản bị “siết” thường mang ý nghĩa chiến lược, chẳng hạn như hồi năm 2017, Sri Lanka buộc phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota - cảng biển có vị trí chiến lược nhất khu vực Ấn Độ Dương - cùng 6.000 ha đất xung quanh cảng để bù đắp lại khoản nợ khổng lồ. Còn Pakistan thì buộc phải nhượng cho Trung Quốc quyền điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tiếp theo. Theo hợp đồng này, Trung Quốc sẽ bỏ tủi 91% doanh thu từ cảng trong suốt thời gian đó, đồng thời được kinh doanh độc quyền và miễn các loại thuế. Tajikistan, một quốc gia châu Á khác bị vướng vào các khoản nợ khó trả với Trung Quốc từ năm 2006 đã buộc phải nhượng 1.158 km2 đất tại vùng núi Pamir cho Trung Quốc, đồng thời cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc, quặng khoáng sản khác từ vùng núi này.
AidData ước tính các khoản nợ tiềm ẩn không được báo cáo của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình với Trung Quốc có trị giá khoảng 385 tỷ USD.
Tờ CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho hay: “Trước thời kỳ Sáng kiến Vành đai và Con đường, phần lớn các khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc hướng đến các tổ chức chính phủ, Trung ương. Tuy nhiên, sau khi sáng kiến này ra đời, một sự chuyển dịch lớn đã diễn ra: gần 70% khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc hiện đang hướng đến các công ty nhà nước, ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp liên doanh và cả khu vực tư nhân”.
Các khoản nợ này thường không hiển thị trên bảng cân đối kế toán của chính phủ các nước, nhưng nhiều khoản được chính phủ đứng ra bảo lãnh, tức là chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trả nợ một khi các công ty quốc doanh, tư nhân hoặc các tổ chức vay nợ không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ. Điều này làm mờ ranh giới giữa nợ tư và nợ công, đồng thời tạo ra những thách thức tài khóa cho các nước. Chẳng hạn, năm ngoái, vụ việc tập đoàn Ahmed Siyam Holdings đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ khiến ngân hàng Trung Quốc Eximbank lập tức đề nghị chính phủ Maldives chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ là một ví dụ điển hình.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có 42 quốc gia hiện có mức nợ công đối với Trung Quốc vượt quá 10% GDP. “Những khoản nợ này được báo cáo không đầy đủ vì trong nhiều trường hợp, các tổ chức chính phủ trung ương ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không phải người đi vay hay chịu trách nhiệm trả nợ chính”.