Nỗi buồn "thắt ruột" của cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nga
Nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 7 ở châu Âu
Nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến cà phê tại Nga, nhu cầu nhập khẩu cà phê của nước này liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện Nga là nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 7 ở châu Âu. Khoảng 57% lượng cà phê nhập khẩu của Nga là loại cà phê Robusta mà Việt Nam là sản xuất hàng đầu thế giới và 43% là cà phê Arabica.
Tiêu thụ cà phê của Nga chiếm 3,0% tiêu thụ toàn cầu với thị hiếu tiêu dùng chuyển từ trà sang cà phê cũng rất mạnh mẽ. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), tiêu thụ cà phê của Nga tăng trưởng bình quân 2,7% trong giai đoạn 2018 – 2021, điều này cho thấy sự ưa thích của người dân nước này đối với đồ uống từ cà phê. Thị trường cà phê Nga được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ vào sự phổ biến ngày càng tăng của cà phê trong nước, và được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trẻ.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu cà phê của nước này trong tháng 9/2021 đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 77,52 triệu USD, tăng 26,4% về lượng và tăng 43,2% về trị giá so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Nga đạt trên 182 nghìn tấn, trị giá 565,74 triệu USD, tăng 6,4% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại: 9 tháng đầu năm 2021, Nga tăng nhập khẩu hầu hết các chủng loại cà phê, ngoại trừ chủng loại cà phê có mã HS 090190, nhưng tỷ trọng nhập khẩu chủng loại cà phê này thấp nên không ảnh hưởng đến xu hướng nhập khẩu chung.
Về diễn biến giá: Tháng 9/2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nga đạt 3.302 USD/tấn, tăng tới 13,3% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nga đạt 3.170 USD/tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nga tăng từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại từ Uganda.
Về thị trường 9 tháng đầu năm 2021, Nga tăng nhập khẩu từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Việt Nam và Indonesia.
Theo Cơ quan Hải quan Nga, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nga tính theo lượng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt trên 61 nghìn tấn, trị giá 116 triệu USD, giảm 8% về lượng và chỉ tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga cũng giảm từ 38,78% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống còn 33,53% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Nỗi buồn "thắt ruột" của cà phê Việt sang Nga
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, suốt thời gian vừa qua, Việt Nam luôn là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Nga. Nhìn lại năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Nga hơn 80 ngàn tấn cà phê trị giá 135 triệu USD, giảm 7% về lượng và 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nga: 99% (133 triệu USD) là cà phê thô, chưa rang xay (mã HS: 02 090111 và 02 090112), chỉ có 1% (2 triệu USD) là cà phê rang xay (mã HS: 02 090121 và 02 090122).
Theo khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Nga, phần lớn người tiêu dùng Nga không biết đến các thương hiệu cà phê Việt Nam. Nguyên nhân chính là cà phê Việt Nam được nhập khẩu vào Nga ở dạng nguyên liệu thô, không có thương hiệu nên mặc dù khối lượng xuất khẩu lớn và là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nga nhưng kim ngạch xuất khẩu của cà phê Việt vào Nga không cao, nếu không muốn nói là quá "bèo bọt".
Việt Nam xuất khẩu sang Nga hơn 80 ngàn tấn cà phê năm 2020, trị giá chỉ 135 triệu USD. Trong khi đó, Italy chỉ xuất khẩu vào Nga 15,1 ngàn tấn cà phê trong năm 2020 nhưng đạt kim ngach 104 triệu USD vì 100% cà phê của Ý xuất sang Nga là cà phê đã qua chế biến có thương hiệu.
Trong nhiều năm. cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga. Cà phê Việt Nam được nhập khẩu vào Nga ở dạng nguyên liệu thô (khoảng 99% cà phê Việt xuất khẩu sang Nga là cà phê thô, cà phê rang xay chỉ có 1%).
Do đó, để tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Nga, các doanh nghiệp cà phê lớn của Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu tại thị trường Nga, đồng thời xem xét việc đầu tư sản xuất chế biến cà phê tại Nga.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, tận dụng ưu đãi của Hiệp định VN - EAEU FTA, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại Nga.
Theo cơ quan hải quan Nga, cà phê là một trong những mặt hàng nhập khẩu quan trọng của nước này, và cà phê đã và sẽ trở thành một trong những đồ uống được yêu thích của người Nga.
Để giữ vững vị trí nhà cung cấp số 1 và nâng cao giá trị mặt hàng cà phê tại Nga, ngành cà phê Việt Nam cần thay đổi cơ cấu nguồn cung, thay vì tập trung xuất khẩu cà phê Robusta nhân xô, cần chú trọng đến cà phê chế biến.
Theo thống kê của Hải quan Nga, năm 2020 Nga nhập khẩu 231 ngàn tấn cà phê các loại với trị giá 652 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và 3,3% về trị giá. Các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Nga gồm: Việt Nam (135 triệu USD – chiếm 20,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga), Brazil (134 triệu USD – 20,6%), Italia (104 triệu USD – 15,9%), Đức (39,9 triệu USD – 6,1%), Thụy Sĩ (32,9 triệu USD – 5,1%), Indonesia (32 triệu USD – 4,9%). Năm 2021, dự báo lượng cà phê Nga nhập khẩu còn tăng cao hơn năm 2020 nên nếu không sớm có chiến lược thay đổi, thị trường Nga mãi là "nỗi buồn thắt ruột" của cà phê xuất khẩu Việt Nam...