Nơi được mệnh danh là "viên ngọc quý" của Gia Lai, có gì đặc biệt?

Quy Nhơn
22/07/2025 10:39 GMT +7
Với vị thế là vùng tài nguyên quý hiếm, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya đang đứng trước cơ hội “cất cánh” mạnh mẽ, trở thành một cực tăng trưởng mới của du lịch sinh thái - văn hóa Tây Nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đã yêu cầu triển khai công tác quy hoạch một cách bài bản, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư đồng hành đưa vùng đất này “lên bản đồ” du lịch quốc gia.

Vẻ đẹp độc đáo hiếm có của Tây Nguyên

Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya nằm trên tuyến du lịch chính của vùng Bắc Tây Nguyên; có quy mô diện tích khoảng 5.191 ha, gồm: Phường Thống Nhất và xã Biển Hồ. 

Về điều kiện tự nhiên, Biển Hồ là viên ngọc quý, có tính biểu tượng văn hóa của tỉnh Gia Lai (cũ), núi lửa Chư Đăng Ya là ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, là địa điểm gắn liền với các  hoạt động du lịch Chư Đăng Ya - lễ hội hoa dã quỳ.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya có hai hạt nhân du lịch chính là Khu sinh thái Biển Hồ phía Nam và khu miệng núi lửa Chư Đăng Ya phía Bắc. 

Đây là khu vực có địa hình thuận lợi, cảnh quan đẹp với diện tích mặt nước lớn và đa dạng. Có tài nguyên du lịch Biển Hồ, Núi lửa, Đồi Chè và các tài nguyên di tích, phong cảnh đẹp… 

Có quỹ đất thuận lợi cho xây dựng tương đối lớn, đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn dài hạn. Có vị trí cửa ngõ đô thị, thuận tiện cho kết nối giao thông đường bộ. 

Nét đặc trưng văn hóa khu vực có sự lan tỏa rộng và vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống. Nhìn chung, đây là khu vực có nhiều điểm du lịch triển vọng với những di tích lịch sử được xếp hạng; có lợi thế để phát triển ngành du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Từ các tiềm năng đó, Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya được Chính phủ đưa vào Danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia, được UBND tỉnh Gia Lai và các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch. Đến nay, khu du lịch đã liên kết với các vùng du lịch chính, các cụm du lịch phụ trợ của tỉnh và chuỗi du lịch vùng Tây Nguyên.

Nhưng, Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya cũng có những tồn tại như: Cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; mực nước mặt ở khu vực phía Bắc - Đông Bắc không ổn định. 

Do vậy, phát triển du lịch - đô thị ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ môi trường sinh thái và đặc biệt là nguồn nước Biển Hồ.

Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai.

Trên cơ sở định hướng đô thị và nông thôn, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hoá và cấu trúc đô thị hình thành trong tương lai, sẽ dự kiến hình thành 5 phân khu chính gồm: Khu du lịch Biển Hồ - Du lịch văn hoá tâm linh; phân khu đô thị dịch vụ du lịch Chư Đăng Ya; phân khu du lịch chè Biển Hồ; phân khu đô thị cửa ngõ Bắc thành phố và phân khu đô thị sinh thái Biển Hồ A. Dự kiến chi phí thực hiện khoảng 5,2 tỷ đồng.

Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho rằng, khi quy hoạch phải tôn trọng bản sắc và nâng tầm giá trị thiên nhiên, quy hoạch phải mang đến sức sống cho vùng đất du lịch đầy tiềm năng. Cùng với đó, phải gắn kết đô thị trung tâm và các phường của Pleiku (cũ) để tạo thành quần thể du lịch.

Nâng tầm bằng quy hoạch chiến lược

Sau khi khảo sát thực tế, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá, Khu vực Biển Hồ – Chư Đăng Ya là vùng tài nguyên đặc biệt quý hiếm, không chỉ của tỉnh mà còn mang tầm quốc gia, với nhiều điều kiện hạ tầng thuận lợi cho phát triển du lịch. 

Do đó, công tác quy hoạch cần được triển khai khẩn trương nhưng phải đảm bảo kỹ lưỡng, bài bản, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Ngoài ra, khu vực này sở hữu nhiều giá trị đặc trưng như Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, núi Chư Nâm – đều là các thắng cảnh có giá trị về tự nhiên, văn hóa và du lịch. Vì vậy, quy hoạch cần bám sát thực tế, có tầm nhìn dài hạn, tính toán đầy đủ đến yếu tố hạ tầng giao thông, đồng thời mở rộng vùng bảo vệ để đảm bảo an toàn, tạo nền tảng cho phát triển bền vững khu vực Chư Đăng Ya.

Về ý tưởng phân khu sơ bộ, ông Tuấn nhấn mạnh, cần lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín, thương hiệu để đảm nhận công tác quy hoạch. 

Tìm kiếm, làm việc với một số nhà đầu tư có ý tưởng phù hợp, để khi quy hoạch hoàn tất, có thể sẵn sàng triển khai dự án ngay. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đến ngày 15/8 phải hoàn tất việc lựa chọn đơn vị tư vấn và xác định được một số nhà đầu tư có tiềm năng, sẵn sàng tham gia cùng địa phương triển khai quy hoạch và phát triển khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya.

Trước mắt, Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng hai Hiệp hội Du lịch của tỉnh Bình Định (cũ) và Gia Lai (cũ) tập trung nâng tầm một số hoạt động tại khu vực Chư Đăng Ya. Đồng thời nên tổ chức chương trình nghệ thuật tại đây nhằm tạo điểm nhấn và thu hút du khách.