Nộp hồ sơ niêm yết HoSE, đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản, Gỗ An Cường (ACG) làm ăn thế nào?
Gỗ An Cường nộp hồ sơ niêm yết HoSE
Cụ thể, HoSE cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 135,8 triệu cổ phiếu của Gỗ An Cường. Ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 31/5.
Hồi đầu tháng 8/2021, Gỗ An Cường đã đưa 87,6 triệu cổ phiếu lên UPCoM vói giá tham chiếu 90.000 đồng/cp.
Đầu năm 2021, doanh nghiệp tiến hành chào bán 4,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động cũng như thỏa điều kiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE.
ACG vừa hoàn thành chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tổng số lượng 43,8 triệu cổ phiếu và chào bán thành công 4,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của Công ty theo đó nâng lên mức 1.358 tỷ đồng.
Gỗ An Cường (ACG) làm ăn ra sao?
Về hoạt động kinh doanh, quý I/2022, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt 856 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9%; lãi sau thuế 120 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ trong kỳ đạt 232,5 tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ.
Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế tăng do dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cũng phục hồi và từng bước lấy lại nhịp tăng trưởng, doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí được kiểm soát tốt hơn, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng nhờ tối ưu hóa dòng tiền.
Năm 2022, Gỗ An Cường đặt mục tiêu doanh thu 4.242 tỷ đồng tăng 29%, lãi sau thuế 550 tỷ đồng, tăng 22%. Như vậy, 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này thực hiện 20% chỉ tiêu doanh thu và 22% chỉ tiêu lợi nhuận.
Thời gian qua doanh nghiệp này đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản. Giai đoạn 2017-2020, doanh thu của Gỗ An Cường luôn đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng/năm.
Tổng tài sản của Gỗ An Cường tính đến ngày 31/3/2022 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 2.000 tỷ đồng dành cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Về đầu tư tài chính ngắn hạn, công ty hiện có 1.361 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, hưởng lãi suất từ 5 – 7,6%/năm và 156 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất lên đến 13,6%/năm.
Với các khoản đầu tư dài hạn, Gỗ An Cường rót gần 520 tỷ đồng vào các công ty bất động sản. Tháng 4/2021, Gỗ An Cường đã chi 119,2 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group). Chủ tịch Gỗ An Cường, ông Lê Đức Nghĩa cũng được bầu vào HĐQT Thắng Lợi Group.
Sang quý I/2022, mối quan hệ giữa Gỗ An Cường và Thắng Lợi Group tiếp tục được đẩy mạnh khi công ty chi ra 393 tỷ đồng để mua 30% Công ty Bất động sản Central Hill từ Thắng Lợi Group. Được biết, Central Hill hiện là chủ đầu tư dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill tại tỉnh Long An.
Đây là đơn vị tập trung phân khúc nhà cao tầng giá hợp lý (affordable housing) với phân khúc chung cư dưới 1 tỷ đồng/căn hộ.
Giai đoạn 2022 đến 2025, Central Hill sẽ tung ra thị trường hơn 9.000 căn hộ tại khu vực huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Các căn hộ có diện tích (từ 40-60m2), với giá bán dự kiến khoảng 1 tỷ đồng/căn cùng với chính sách bán hàng, hỗ trợ tài chính linh hoạt cho người mua nhà lên đến 60-70% giá trị căn hộ.
Bên cạnh đó, Central Hill cũng đã đạt được thỏa thuận nhận chuyển nhượng hơn 20ha đất sạch tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và hơn 7ha đất sạch tại Tiền Giang. Central Hill sẽ hoàn thiện về pháp lý và thiết kế của các dự án này để tiếp tục cung cấp ra thị trường hơn 20.000 căn hộ vừa túi tiền trong giai đoạn 2023 đến 2026.
Ngoài ra, Gỗ An Cường còn rót 285 tỷ đồng vào dự án bất động sản Novaworld Phan Thiết. Theo đó, hồi tháng 1/2021, công ty đã ký các biên bản thỏa thuận quyền chọn mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết.
Theo các biên bản thỏa thuận, tập đoàn có quyền lựa chọn tiếp tục thực hiện quyền chọn mua hoặc không mua bất động sản vào tháng 3/2023. Trong trường hợp không thực hiện quyền chọn mua, Gỗ An Cường sẽ được hoàn trả toàn bộ số tiền đã đặt cọc, kèm theo số tiền lãi tính theo lãi suất 13%/năm.
Việc Gỗ An Cường chuyển tiền sang đầu tư tài chính và bất động sản thay vì đầu tư mở rộng sản xuất phần nào phản ánh thực trạng thị trường gỗ ép công nghiệp Việt Nam. Sau giai đoạn hoàng kim, các doanh nghiệp gỗ công nghiệp tăng trưởng ngày càng khó khăn khi chịu sức ép từ dịch bệnh và cạnh tranh khốc liệt.
Là nhà sản xuất gỗ ép công nghiệp lớn nhất thị trường với hơn 55% thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu bao gồm tấm MFC, tấm laminate, tấm acrylic, dư địa tăng trưởng cho Gỗ An Cường không còn nhiều.
Năm 2021, doanh nghiệp gỗ này ghi nhận kết quả kinh doanh sa sút khi chỉ đạt 3.293 tỷ đồng doanh thu và 451 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 12% và 8% so với năm 2020. So với kế hoạch năm, công ty chỉ hoàn thành được 65% doanh thu và 75% lợi nhuận.
Trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu ACG đang giao dịch ở mức 68.900 đồng/cổ phiếu vào phiên chiều 03/06, đi ngang trong 1 quý gần đây.