Dự báo ngành thép có nhiều "điểm sáng" nửa cuối năm 2024
Vasset Management Services (VSM; VSM Team) đã công bố báo cáo chiến lược vĩ mô với tựa đề "Động lực tăng trưởng với áp lực giảm dần về cuối năm".
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, hết 6 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 5,7 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, kim ngạch 3,66 tỷ USD; sắt thép thành phẩm từ nước này về Việt Nam cũng có kim ngạch khoảng 2,1 tỷ USD. Với Ấn Độ, Việt Nam chỉ nhập hơn 178.000 tấn, kim ngạch hơn 123 triệu USD, số lượng không đáng kể.
Hiện nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam hiện đang ở mức 12 - 13 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước là Hòa Phát và Formosa chỉ khoảng 8 triệu tấn/năm, nên lượng còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.
Mỗi năm, Việt Nam đều nhập khẩu thép cán nóng từ Trụng Quốc, Hàn Quốc, trong đó Trung Quốc chiếm trên 70%. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 2 năm qua thép cán nóng của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, năm 2022 chỉ đạt hơn 3 triệu tấn/năm, năm 2023 đã lên hơn 5,72 triệu tấn/năm, tăng hơn 47%.
Động lực tăng trưởng ngành thép từ đâu?
Nửa cuối năm 2024, VSM Team đưa ra quan điểm tích cực đối với ngành thép. Cụ thể, nhóm chuyên gia đánh giá, tiêu thụ nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024, khi bất động sản nội địa phục hồi; số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024.
Ngoài ra, giá trị tồn kho nguyên vật liệu của các doanh nghiệp thép niêm yết có xu hướng tăng từ quý III/2023 tới nay, qua đó phản ánh sự "tự tin" của doanh nghiệp về triển vọng sản lượng tiêu thụ hồi phục trong thời gian tới.
Thêm nữa, VSM Team đánh giá, chu kỳ giá thép mới đang dần mở ra khi thị trường bất động sản Trung Quốc dần hồi phục chậm từ 2025 trở đi. Trong đó, một số phương án để hỗ trợ sự hồi phục của bất động sản đang được nghiên cứu gồm: hạ lãi suất cho vay mua nhà, hạ tỷ lệ đặt cọc mua nhà, và gói cứu trợ 300 tỷ nhà đầu tư tài trợ cho việc mua lại các căn hộ trong tồn kho và chuyển đổi thành nhà ở xã hội.
Nhóm chuyên gia VSM cũng kỳ vọng giá thép nội địa sẽ cải thiện nhẹ trong 6 tháng cuối năm nhờ nhu cầu nội địa tăng cao, làm giảm áp lực điều chỉnh, cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm tới, VSM Team dự báo biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sản xuất thép nhiều khả năng được cải thiện trong các quý tới.
Bên cạnh đó, chuyên gia VSM cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thép mạ sẽ hưởng lợi nếu thuế chống bán phá giá tôn mạ (AD19) được áp dụng. Thống kê của VSM Team, tính tới cuối tháng 5/2024, tỷ trọng thép mạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 80% tổng sản lượng nhập khẩu vào Việt Nam.
Qua đánh giá của VSM, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) và Thép Nam Kim (HoSE: NKG) sẽ là các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp AD19 được áp dụng. Nguyên dân do 3 doanh nghiệp này có thị phần tôn mạ lớn nhất toàn ngành, đạt lần lượt 28%, 18%, 17% tại thời điểm cuối năm 2023.
Việt Nam điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng Trung Quốc, Ấn Độ
Theo Quyết định vừa được Bộ Công Thương ban hành, dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) đã tiến hành xem xét, đề nghị bên yêu cầu bổ sung thông tin, làm rõ một số nội dung cáo buộc trong hồ sơ và tiến hành thẩm định theo quy định.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh thông tin do các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, Cơ quan điều tra nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất thép mạ và ống thép đang sử dụng thép cán nóng làm nguyên liệu.
Đối với các ý kiến này, Cơ quan điều tra sẽ xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng trong quá trình điều tra vụ việc trên cơ sở các dữ liệu được Cơ quan điều tra thu thập và xác minh và sẽ được phản ánh trong kết luận điều tra.
Căn cứ quyết định điều tra, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 03 năm, từ 1/7/2021 đến 30/6/2024.
Theo quy định pháp luật, sau khi khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá: mức độ bán phá giá; thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Cơ quan điều tra khuyến khích các bên liên quan hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của Cơ quan điều tra để bảo đảm quyền lợi của mình. Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.