Xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm 2024: Tôm cạnh tranh "khốc liệt", cá tra kỳ vọng thị trường Mỹ?
Vasset Management Services (VSM; VSM Team) đã công bố báo cáo chiến lược vĩ mô với tựa đề "Động lực tăng trưởng với áp lực giảm dần về cuối năm".
Trong năm 2024, mục tiêu của ngành thủy sản là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Xét tình hình chung, VSM Team kỳ vọng các thị trường chính sẽ phục khi nhiều ngân hàng trung ương phát tín hiệu giảm lãi suất trong nửa sau năm 2024.
Tuy nhiên, VSM Team cũng chỉ ra còn nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể tác động như mức thuế chống bán phá giá; căng thẳng chính trị làm giá cước tăng phi mã; thẻ vàng IUU, cạnh tranh với thủy sản từ nhiều nước khác đòi hỏi nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Xuất khẩu tôm cạnh tranh "khốc liệt"
Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 6/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%.
Theo Vasep, ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ. Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.
Xét quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.
Còn theo nhận định từ VSM Team, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong nửa cuối năm sẽ hưởng lợi nhờ lợi thế địa lý và nước này đang hạn chế nguồn tôm từ Ecuador và Ấn Độ do có dư lượng sulfite.
Với thị trường Nhật Bản, chuyên gia VSM đánh giá, dù nhu cầu phục hồi chậm nhưng lại ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu, đây là lợi thế của tôm Việt Nam so với tôm từ các nước khác. Do đó, doanh nghiệp nào có khả năng chế biến sâu tập trung vào thị trường này thì sẽ hưởng lợi. Đơn cử, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) tập trung vào tôm chế biến sâu, đánh mạnh vào thị trường Nhật Bản.
Trong khi đó, Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) gặp khó tại thị trường Mỹ nên đã có ý định quay về thị trường nội địa khi hợp tác chiến lược với chuỗi Bách Hóa Xanh. Còn Camimex Group (HoSE: CMX) lại có ý định mở thêm mảng chế biến cá và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khi hợp tác với chuỗi siêu thị lớn nhất nước này là Emart.
Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng vào thị trường Mỹ?
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 172 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm nay đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Thông tin từ Vasep, về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc & HongKong tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong tháng 6. Tháng 6/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc & HongKong đạt 56 triệu USD, tăng 16% so với tháng 6/2023. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 258 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ.
Mỹ hiện là thị trường thứ 2 sau Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Tháng giữa năm nay, Mỹ tiêu thụ 27 triệu USD cá tra, tăng 22% so với tháng 6/2023, trong khi giảm 9% so với tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
VSM Team đánh giá, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc Mỹ và phương Tây ban sắc lệnh cấm cá minh thái từ Nga. Theo đó, giá cá tra xuất khẩu dự báo có thể hồi phục nhẹ trong nửa cuối năm chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn cung chủ yếu đến từ giá thấp cùng với thời tiết bất lợi khiến nhiều hộ nông dân hạn chế thả nuôi mới.
Về doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, VSM Team cho rằng, Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) là doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng mở rộng thị trường và quản lý chi phí tốt, đặc biệt hưởng thuế chống bán phá giá bằng 0 tại thị trường Mỹ nên sẽ có triển vọng kinh doanh tích cực nhất trong các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Các doanh nghiệp còn lại như Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (HoSE: IDI), Nam Việt (HoSE: ANV) cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục xuất khẩu, tuy nhiên triển vọng sẽ kém hơn so với Vĩnh Hoàn.