PGS.TS Phạm Thế Anh: Gói cứu trợ lần một chưa hiệu quả thì lần hai không cần thiết
Tính đến cuối tháng 9/2020, Ngân hàng nhà nước đã 3 lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ VND vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai.
Đến ngày 14/09/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ VND; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ VND.
Chỉ 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250 nghìn tỷ đồng
Đánh giá cao những động thái này, song PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập trong việc thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn, như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ…
Với các thủ tục nói trên, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất.
Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến giữa tháng 9, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250 nghìn tỷ. Ông Phạm Thế Anh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là có sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai, khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp theo ông Phạm Thế Anh cũng kém hiệu quả do thủ tục phức tạp và các điều kiện ngặt nghèo.
Cụ thể, theo nghị quyết 42, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, để được tiếp cận được gói vay này, doanh nghiệp phải có từ 20-30% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; doanh nghiệp phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 30/06/2020.
"Việc thiết kế chính sách như vậy không giúp giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, và không khuyến khích doanh nghiệp duy trì việc làm", ông Thế Anh đánh giá.
Chính sách tiền tệ sẽ ít hiệu quả
Từ thực tế này, vị chuyên gia này cho rằng, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Bởi, khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một số ngành đặc thù sẽ biến mất, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
"Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá", vị này nhấn mạnh.
Hơn nữa, gần đây, việc Mỹ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tỷ giá cũng yêu cầu NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. "Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch", PGS.TS Phạm Thế Anh lưu ý.
Gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính "dân túy"
Đề cập về gói cứu trợ lần thứ 2, TS Phạm Thế Anh cho rằng, việc tung ra gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết. Bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính "dân túy". Đồng thời nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội.
Trên phương diện sản xuất, cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới.
Do vậy, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.
Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.