Phân bón Bình Điền (BFC): Thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 46,1%

11/04/2022 12:49 GMT+7
Mặc dù năm 2021 kinh doanh khá thành công nhưng Phân bón Bình Điền lại tỏ ra khá thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm tới 46,1% về 200 tỷ đồng.

Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt 6.428 tỷ giảm 18,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng giảm 46,1% so với thực hiện năm 2021. 

Về kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ cũng lần lượt giảm 18,8% và 17,5% so với thực hiện năm 2021.

Trước đó, Phân bón Bình Điền đã kinh doanh khá thành công trong năm 2021, với doanh thu đạt 7.882 tỷ đồng, tăng 42,7% so với năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 371,2 tỷ đồng, tăng 85,4% so với năm 2020, vượt 38,5% kế hoạch doanh thu và vượt 123,6% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Theo Phân bón Bình Điền, năm nay dịch Covid-19 sẽ vẫn gây ra nhiều thách thức và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Dự báo năm 2022, thời tiết khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp gây bất lợi cho ngành phân bón.

Dự báo giá cả nguyên liệu sản xuất phân bón NPK tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón NPK.

Giá phân bón dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao trong khi giá nông sản còn thấp, điều này làm giảm lợi nhuận của nhà nông, việc giảm sử dụng phân bón để tiết kiệm chi phí hoặc lựa chọn phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ sẽ tiếp tục diễn ra ở mức độ rộng và nhanh hơn, điều này có thể dẫn đến nhu cầu phân bón vô cơ giảm trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cập nhật, tính đến cuối năm 2021, Phân bón Bình Điền mới sử dụng khoảng 75% công suất thiết kế. Với công suất thiết kế lớn, năm 2022, Công ty có cơ hội lớn để gia tăng sản lượng tiêu thụ khi nguồn cung phân bón NPK và Urea đang thiếu hụt trên thế giới do Nga - quốc gia xuất khẩu Urea và NPK lớn nhất thế giới - dừng xuất khẩu phân bón.

Mặc dù giá trị tồn kho tăng mạnh, nhưng nhờ việc thu hồi tốt các khoản phải thu và gia tăng chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp đã giúp dòng tiền hoạt động của Công ty không bị âm quá lớn. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ vay của Phân bón Bình Điền là 1.426,4 tỷ đồng, chiếm 37% cơ cấu nguồn vốn; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đạt 1,05 lần; nợ ngắn hạn chiếm 96,4% cơ cấu nợ vay. Mặc dù dư nợ tăng, nhưng chi phí lãi vay của Công ty trong năm qua lại giảm 29% so với năm 2020, nhiều khả năng nhờ hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất.

Tuy vậy, với vốn vay chiếm hơn 1/3 cơ cấu nguồn vốn, áp lực chi phí lãi vay của Công ty năm nay dự báo sẽ lớn hơn, khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BFC đứng ở giá 38.600 đồng/cổ phiếu, giảm 6,75%.



A.Vũ
Cùng chuyên mục