Phát triển bất động sản khu công nghiệp theo định hướng ESG: Không đơn giản vì điều quan trọng này
Giá thuê bất động sản công nghiệp duy trì ở mức ổn định
Theo ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc, Bộ phận Quản lý Cấp cao TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam đã chuyển từ việc cạnh tranh bằng chi phí lao động thấp sang một nền công nghiệp sản xuất giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là trong ngành điện tử.
Dữ liệu cho thấy, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam duy trì ở mức tốt. Chính phủ có chính sách tương đối quyết liệt nhằm đảm bảo đủ đất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, mở rộng giúp các thị trường tỉnh gia tăng khả năng cạnh tranh. Vì vậy các khu công nghiệp đang được phân bổ đều ở nhiều tỉnh khác nhau.
Nhu cầu về các nhà máy xây sẵn vẫn phổ biến. Hiện tại, hầu hết các nhà phát triển công nghiệp lớn đều phát triển nhà máy sẵn có.
Qua đó, ông Troy Griffiths dự kiến giá thuê sẽ ổn định trong thời gian tới, thay vì tiếp tục tăng như trước đây.
Còn theo nhận định từ Chứng khoán ACBS, giá thuê bất động sản công nghiệp trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tăng trưởng 6-7%/năm ở miền Bắc và 3-7% ở miền Nam.
Nguồn cung mới sẽ dịch chuyển đến thị trường cấp 2 (Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước) - khuv ực có giá thuê thấp hơn và có kết nối giao thông cải thiện nhờ các dự án cao tốc và đường vanh đai đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các khu công nghiệp thông minh & sinh thái có sử dụng năng lượng tái tạo và hệ thống xử lý nước & chất thải tốt hơn sẽ ngày càng phổ biến do các tập đoàn sản xuất phải giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng theo cam kết.
Xu thế phát triển ESG trong bất động sản công nghiệp
Dựa trên dữ liệu từ thị trường sơ cấp, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất Động Sản Công nghiệp, Savills Hà Nội đánh giá, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều đang xem xét chuyển đổi các khu công nghiệp của họ thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung vào môi trường hơn bao giờ hết, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội là một phần của các mục tiêu toàn cầu của họ.
Các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng chú trọng đến ESG (gồm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị), trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu "Net Zero" vào năm 2050 và có nhiều chương trình, chính sách phát triển ESG tại Việt Nam.
Tháng 4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất dự Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm hướng tới tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh.
Các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đã có các trung tâm công nghiệp sinh thái.
"Chúng ta cần có thêm những dự án như vậy ở Việt Nam để tiếp tục thu hút đầu tư", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều khu công nghiệp hiện tại đã được phát triển từ lâu theo mô hình truyền thống. Việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản vì chi phí tốn kém và cần sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý.