Phó Chủ tịch VCCI: Cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng chống thiên tai
Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.
Thiệt hại nặng nề, Bộ ngành vào cuộc, đề xuất gói hỗ trợ chuyên biệt
Tại tọa đàm "Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?", do báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (1/10), ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn. Ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng bị tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng.
"Có thể nói, với ngành nuôi biển, Quảng Ninh và Hải Phòng là những địa phương đi đầu trong phát triển đề án nuôi biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Không chỉ về tài sản, bão số 3 tác động rất lớn về mặt tinh thần của những người dân nuôi biển. Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ tâm trạng của những bà con nuôi biển", ông Luân nhấn mạnh.
Hiện ở các tỉnh phía Bắc đang bắt đầu vào vụ Đông, do đó Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cụ thể từng giải pháp cá ở trên ao, cá ở trên sông, nuôi trồng thủy sản. Quan điểm của Bộ là sẽ từng bước cố gắng hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất.
Ông Luân cho biết, trước mắt, Bộ cố gắng hỗ trợ bà con để phục hồi sản xuất nuôi cá, tôm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp lễ Tết. Về lâu dài, ngành thủy sản sẽ xây dựng lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn nuôi biển với các tiêu chí cao hơn nữa để hạn chế các rủi ro do mưa bão, thiên tai gây ra.
Quảng Ninh một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, chỉ sau 3 ngày sau bão, thành phố mở cửa đón khách du lịch đã đặt trước. Từ 11-15/9, TP. Hạ Long đón trên 20.000 khách du lịch và chủ yếu khách quốc tế. Từ đầu năm tới nay, Hạ Long đón hàng triệu lượt khách, tổng doanh thu 20.300 tỷ đồng.
Sau cơn bão, thành phố phát động chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục tình hình. Hạ Long huy động 70.000 người, trên 2.000 phương tiện tham gia khắc phục hậu quả cơn bão. Huy động ô tô, máy xúc, máy nâng để cắt cây đổ, giải tỏa vấn đề đổ gãy cây xanh, khôi phục thành phố. Sau chiến dịch, TP. Hạ Long cơ bản giải quyết được hậu quả cơn bão, thành phố có điện trở lại.
Đặc biệt, trong khi chính sách nhà nước chưa có, Quảng Ninh phát động chính sách xã hội hóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. TP. Hạ Long đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: Gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, tiếp tục cho vay khoản vay để phục hồi sản xuất, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ thuế.
Về phía ngành ngân hàng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau bão Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên một số địa bàn tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, xử lý rủi ro với dư nợ hiện hữu.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định rõ các cơ chế và trường hợp hỗ trợ khi gặp thiên tai, bão lụt. Chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, xem xét miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ...
Ghi nhận và đánh giá cao các giải pháp đồng bộ của các bộ ngành, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói thêm, Ngân hàng Nhà nước đã đến với bà con vùng bão, đặc biệt Nghị quyết 143 đưa ra giải pháp trọng tâm giải quyết khắc phục hậu quả. Ông cho rằng, chính sách có độ trễ nhưng có quy trình rút gọn, linh hoạt hơn để đối tượng thụ hưởng kịp thời.
Tuy nhiên, ngân hàng mong muốn gói chính sách phải vào ngay và luôn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài giải pháp miễn, giảm, hoãn trả nợ, cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng chống thiên tai.
Hiện, các doanh nghiệp chạy nước rút trong những tháng cuối năm. Theo đó, doanh nghiệp đang phải đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh không thể dừng lại được phải cam kết duy trì, tăng trưởng đảm bảo đời sống lao động. Chính sách làm sao phối hợp địa phương 26 tỉnh thành hỗ trợ vùng đúng, trúng, khôi phục được đời sống cho bà con, sản xuất, và đơn hàng xuất khẩu.