Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói gì khi kết quả tín dụng xanh chưa cao?

L. Anh
21/05/2025 11:51 GMT +7
Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn. Nguyên nhân do việc triển khai chưa đồng đều, nhiều TCTD chưa báo cáo NHNN, chưa phát sinh tín dư nợ tín dụng xanh, thiếu khung pháp lý về Danh mục xanh...

Ngày 21/05/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Lễ Công bố sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tham dự và chủ trì Tọa đàm.

Sau gần 2 năm triển khai Kế hoạch hành động của ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực. "Nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, từ đó tăng dần quy mô và tốc độ dư nợ tín dụng xanh", Phó Thống đốc cho biết.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Dữ liệu cho thấy, tính đến tháng 3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ xanh (năm 2017 chỉ có 15 TCTD), tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.

Đã có có 57 TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ 3,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với thời điểm 2017. Nhiều TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững, tăng tính giải trình và minh bạch, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của mình.

Theo đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thẳng thắn nhìn nhận thực tế việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng còn không ít khó khăn.

Đơn cử, việc triển khai chưa đồng đều, nhiều TCTD chưa báo cáo NHNN, chưa phát sinh tín dư nợ tín dụng xanh. Kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển, do thiếu khung pháp lý về Danh mục xanh.

Hay như công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng. Việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế.

Ngoài ra là yêu cầu ngày càng cao về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải;….

Để giải quyết những khó khăn này không chỉ có sự nỗ lực của ngành ngân hàng mà cần phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức quốc tế.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, vấn đề suy thoái môi trường đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh – phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên là xu thế tất yếu để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, bao trùm và thịnh vượng.

Thời gian qua, vấn đề về tăng trưởng xanh được Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy, đề ra các định hướng, mục tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển của đất nước qua từng thời kỳ thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia các giai đoạn 2011-2020; giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2025 và thông qua những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính như: Cam kết của Việt Nam tại Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; cam kết mục tiêu NetZero tại Hội nghị COP26.

Đặc biệt là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh bao gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 134 hoạt động cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Về nguồn lực thực hiện Chiến lược, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, nguồn huy động quốc tế, Chính phủ đều đặt yêu cầu trọng tâm phải thúc đẩy tín dụng xanh, đáp ứng nhu cầu vốn chuyển đổi nền kinh tế.

Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã vào cuộc rất sớm, từ năm 2015 đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng, Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; đặt ra yêu cầu tăng dần tỷ trọng tín dụng đầu tư cho các dự án xanh, phát triển ngân hàng xanh tại các Chiến lược, Đề án phát triển của Ngành ngân hàng thông qua các giải pháp tăng cường nhận thức, năng lực thực thi của toàn ngành về tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, năm 2023, NHNN tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động của toàn Ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030 và các Đề án về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, với 7 nhóm nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị Vụ, Cục, chi nhánh của NHNN, và các TCTD.

Trong khi đó, theo Phó Thống đốc, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đánh giá 5 năm triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ hội để ngành ngân hàng đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện định hướng giải pháp, nhằm thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng hiệu quả hơn, góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn tới.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ phía Chính phủ Đức, GIZ, IFC và SECO trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác về tài chính bền vững nói riêng và các hợp tác tăng cường phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.