Phó Thống đốc trần tình "siết" tín dụng bất động sản, nhiều phân khúc được khuyến khích cho vay

28/05/2022 11:19 GMT+7
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian vừa qua dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước "siết chặt" tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước "chưa bao giờ dùng từ siết chặt tín dụng bất động sản".

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66%, tăng cao hơn gấp 2 lần cũng thời điểm năm 2021.

Đáng nói, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực. Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua lại có mức tăng trưởng tín dụng cao: tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%, lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cũng tăng cao, trên 7,6%, bằng mức tăng chung của cả nước.

Dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt và được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Thực hư việc Ngân hàng Nhà nước "khóa, siết" tín dụng bất động sản - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin về việc "siết, khóa" tín dụng bất động sản. (Ảnh: SBV)

Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng, Phó Thống đốc thông tin thêm: thời gian vừa qua dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang khóa, siết chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chưa bao giờ dùng từ siết chặt tín dụng bất động sản.

"Nhiều diễn đàn còn có từ khóa siết chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là chưa bao giờ chúng tôi dùng từ siết chặt tín dụng bất động sản. Là người phát ngôn của ngành, tôi chưa bao giờ nói siết chặt tín dụng với bất động sản cả" - ông Tú khẳng định.

Theo Phó Thống đốc, tinh thần chỉ đạo của ngành ngân hàng nhiều năm qua là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao của bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.

Đối với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước thì chỉ kiểm soát chặt với bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc nhà nghỉ dưỡng, dự án cao cấp, còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng đối với nhà ở phục vụ nhu cầu cho số đông người dân thì dư nợ tăng đều, phát triển khá nhanh.

Gần đây, trong rất nhiều cuộc hội thảo cụm từ "siết tín dụng bất động sản" được không ít chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp nhắc đến và bày tỏ lo ngại về hệ lụy từ việc siết tín dụng vào lĩnh vực này.

Chẳng hạn, tại tọa đàm dự báo về kinh tế 2022 -2023, CEO FiinGroup Nguyễn Quang Thuân thừa nhận, ngành bất động sản không hồi phục ngoài nguyên nhân mang tính chu kỳ, còn lý do khác đó là 2 năm không làm được dự án do đại dịch, thiếu nguồn tiền và hiện nay lại gặp thách thức lớn khi bị siết tín dụng, mặc dù cầu về bất động sản vẫn rất lớn.

"Có doanh nghiệp không huy động được vốn thì vẫn sống được 10 năm nữa, nhưng có những doanh nghiệp chỉ 6 tháng sau sẽ không còn tồn tại được nữa nếu nhìn dưới góc độ dòng tiền", ông Thuân nhấn mạnh.

Thực hư việc Ngân hàng Nhà nước "khóa, siết" tín dụng bất động sản - Ảnh 3.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rủi ro nếu siết chặt tín dụng bất động sản. (Ảnh: DT)

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng việc siết tín dụng sẽ càng làm thiếu nguồn cung và gây ra sốt giá nhiều hơn. Do vậy, việc cần làm cần rà soát lại toàn bộ các dự án để việc siết có chọn lọc.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), việc siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng đến cả người thực sự có nhu cầu mua nhà, khi họ khó vay tiền ngân hàng và giá nhà có thể bị đẩy lên cao. "Siết như thế nào, siết ai cần phải tính toán kỹ, nếu không cẩn trọng sẽ có những hệ lụy khó kiểm soát", ông Châu nói.

Thực tế, trong 2 - 3 năm vừa qua, nếu doanh nghiệp các lĩnh vực khác được vay lãi suất từ 7 - 9%/năm thì bất động sản phải vay với mức lãi suất 11 - 13%/năm. Đó là chưa kể điều kiện để được vay vốn luôn chặt chẽ hơn rất nhiều so với phương án kinh doanh bình thường.

"Với việc liên tục yêu cầu hạn chế từ Ngân hàng Nhà nước thì một số nhà băng cũng tiếp tục giảm hạn mức cho vay. Chẳng hạn một số dự án trước đây được cho vay khoảng 70% thì nay chỉ được duyệt khoảng 50% nhưng hồ sơ vẫn đang nằm chờ xem xét và chưa biết khi nào được thông qua...'', vị này thông tin.

Liên quan đến hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc cho biết việc triển khai này sẽ tạo hiệu ứng tích cực hơn cho việc tăng trưởng của doanh nghiệp, Hợp tác xã giúp doanh nghiệp, Hợp tác xã mạnh dạn hơn trong triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, việc triển khai chính sách này cũng đặt thêm trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong đảm bảo nguồn cung ứng vốn.

"Đáng lẽ doanh nghiệp, Hợp tác xã vay phải trả lãi suất 6 - 7%/ năm nhưng nay được bớt đi 2%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Hợp tác xã mạnh dạn hơn khi vay vốn", ông Đào Minh Tú nói.

Như vậy, Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung, thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp.

Đồng thời, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục