Phục hồi thần tốc, GDP Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo trong năm 2020

18/01/2021 11:25 GMT+7
Nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, một con số sáng sủa so với phần còn lại của thế giới.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% năm 2020

Số liệu thống kê được chính phủ Trung Quốc công bố hôm 18/2 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng kiến mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020 so với một năm trước đó.

Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm chậm nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, ít nhất từ năm 1976 đến nay, khi Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng -1,6%.

Phục hồi thần tốc, GDP Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo trong năm 2020 - Ảnh 1.

Phục hồi thần tốc, GDP Trung Quốc tăng trưởng 2,3% trong năm 2020

Một năm sau khi đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu và đẩy nhiều nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, Trung Quốc đã sớm thành công trong kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Mức tăng trưởng 2,3% của nước này vượt qua nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế hàng đầu. Chẳng hạn, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF từng dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến tăng trưởng 1,9% trong năm 2020. Đây cũng là nền kinh tế lớn duy nhất hành tinh mà IMF dự kiến đạt tăng trưởng dương.

Tốc độ phục hồi của Trung Quốc cũng ngày càng mạnh mẽ. Dự kiến, tăng trưởng GDP quý IV của nước này đạt tới 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo được công bố bởi chính phủ. Con số này tăng nhanh hơn mức 4,9% được công bố hồi quý III.

Trung Quốc thúc đẩy tầm ảnh hưởng quốc tế

Tờ CNN hồi đầu tháng 1 đăng tải bài phân tích nhận định rằng khi phần còn lại của thế giới vật lộn với đại dịch Covid-19 kéo dài, Trung Quốc đang thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Sự hỗn loạn chính trị đang diễn ra tại Mỹ trong quá trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử cũng là một tin tốt lành cho Trung Quốc. Việc Tổng thống Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa không chấp nhận kết quả bầu cử, kéo theo cuộc chiến pháp lý dai dẳng và gần đây nhất là vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6/1 đã làm trầm trọng thêm nguy cơ mất trật tự an ninh và chính sách tại Mỹ. Khi vụ bạo loạn chưa từng có tiền lệ và những lời lẽ chỉ trích Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đang chiếm ưu thế trên mặt báo Mỹ, có ít chính trị gia dành sự chú ý cho những động thái ở bên ngoài biên giới quốc gia. Ví dụ như sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận tự do đầu tư lớn với liên minh châu Âu, điều có thể đe dọa vị thế của Washington trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Động thái này không chỉ phản ánh tiềm năng kinh tế của Trung Quốc khi vừa chứng kiến tăng trưởng phục hồi vượt trội so với phần còn lại của thế giới mà còn thể hiện tham vọng thắt chặt quan hệ với EU khi Washington rơi vào hỗn loạn. 

Trước đó, Trung Quốc còn tích cực tham gia Hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do các nước ASEAN đề xuất khởi xướng vào năm 2012. Đây được Bắc Kinh xem là thỏa thuận thương mại đối trọng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Mỹ đã rút khỏi trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các nhà quan sát nhận định tư cách thành viên quan trọng của RCEP có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù điều này khó bù đắp được những thiệt hại quá lớn mà cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ gây ra.

Bắc Kinh hiện cũng đang nỗ lực củng cố quyền lực mềm thông qua chính sách “ngoại giao vaccine”, hứa hẹn sẽ xuất khẩu tới 400 triệu liều vaccine cho các quốc gia đang phát triển. Cho tới nay, đã có hàng chục quốc gia xếp hàng đặt mua vaccine Covid-19 của Trung Quốc. 


NTTD
Cùng chuyên mục