Phương án điện một giá: “Phải chăng là chủ trương tăng giá?”

18/08/2020 14:18 GMT+7
Biểu giá điện mới khiến nhiều khách hàng lo ngại phải trả thêm tiền. Giới chuyên gia cho rằng, mức 2.704 - 2.890 đồng/kWh đưa ra quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Điện một giá "ép" người dùng chọn biểu giá bậc thang?

Mới đây, Bộ Công Thương công bố dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân.

Theo số liệu từ phía Bộ Công Thương, hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng một kWh. Như vậy, điện một giá tương đương 2.704 - 2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.

Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án điện một giá và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Phương án điện một giá: “Phải chăng là chủ trương tăng giá?” - Ảnh 1.

Phương án điện một giá chỉ có lợi với đối tượng khách hàng sử dụng trên 700 kWh/tháng.

Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận. Các chuyên gia, người dân đều cho rằng, các tính mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân là quá cao.

Cho rằng mức điện một giá đưa ra quá cao, anh Tuấn Minh (Trung Kính, Hà Nội) phân tích, với mức tiêu thụ khoảng 500 kWh/ tháng, nếu theo thang 6 bậc hiện hành thì số tiền điện phải trả là 1.201.700 đồng (giá 1.678 đồng/kWh).

Theo phương án 5 bậc thang mới, mức trả thấp hơn là 1.194.500 đồng; Nhưng nếu áp điện một giá thì mức tiền phải trả cao hơn: 1.351.500 đồng và 1.445.000 tương ứng mức giá 2.704 đồng/kWh và 2.890 kWh…

Chưa hết, những gia đình tiêu thụ mức 200-300kWh/tháng ở bậc 4 trong biểu giá 6 bậc sẽ bị trả tiền điện tăng cao hơn (3%) do biểu giá bán lẻ điện mới đã gộp 2 bậc thang 4 và 5 thành 1 bậc 3 (cho kWh từ 201-400).

"Phương án một giá điện đưa ra khó để các gia đình lựa chọn, bởi phần lớn các gia đình tiêu thụ ở mức từ bậc 1-3 theo thang 5 bậc; Tương đương mức tiêu thụ ngưỡng 0-400 kWh với mức giá cao nhất ở bậc 3 là 2.629 đồng/kWh, thấp hơn mức điện 1 giá thấp nhất được đề xuất (2.704 đồng/kWh).

Chắc chắn sẽ có nhiều người phải trả tiền cao hơn vì nếu theo phương án 5 bậc thang chỉ có nhóm dùng từ 51-100 kWh và 301-400 kWh được hưởng lợi. Như vậy, rõ ràng phương án điện một giá đang "ép" người dùng chọn phương án điện bậc thang", anh Minh băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, anh Quang (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: "Phương án điện một giá được bàn luận nhiều tháng nay sau khi hóa đơn tiền điện nhiều gia đình năm nay tăng đột biến, chưa kể hàng loạt lùm xùm về những hóa đơn tiền điện ghi sai số khiến tiền điện đội lên nhiều lần theo cách tính lũy tiến bậc thang.

Điều này cho thấy, điện một giá càng cần được lựa chọn trong những gia đình có mức tiêu thụ điện cao. Song mức giá đưa ra cần điều chỉnh theo mức giá bình quân điện sinh hoạt hiện hành là 2.078, có nghĩa là khoảng dưới ngưỡng 2.500 đồng/kWh để người dùng mức này có thể bù trừ mức tiền điện giữa các mùa.

Phải chăng là chủ trương tăng giá?

Nhận định phương án giá điện mới lần này chưa hợp lý vì mức một giá điện đưa ra quá cao, TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ: 3 biểu giá điện mới mà Bộ Công thương đưa ra đều có những điểm mới so với biểu giá điện hiện hành như là rút từ 6 bậc xuống 5 bậc; Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ điện cao hơn.

Về mức giá điện bậc thang, có thể thấy, có một số bậc tương đương hoặc giảm hơn so với hiện hành. Trong đó, bốn bậc đầu tiên tỷ lệ tính giá so với giá bán lẻ điện bình quân giống nhau nên mức giá bằng nhau. Chỉ có bậc 5 từ 700 kW trở lên, có mức tính giá khác nhau nên tiền điện phải trả khác nhau.

Tuy nhiên, từ mức giá của 3 phương án gồm phương án 1, 2A, 2B tính ra giá bình quân điện sinh hoạt hiện hành (2.018 đồng/kWh) gắn với tỷ trọng tiêu thụ điện của từng phương án lần lượt là 2.058 đồng/kWh; 2.186,54 đồng/kWh; 2.078 đồng/kWh. Điều này đã phá vỡ nguyên tắc "không làm tăng giá bình quân hiện hành được duyệt".

Phương án điện một giá: “Phải chăng là chủ trương tăng giá?” - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia, người dân bày tỏ quan điểm không đồng tình với phương án điện một giá.

Đánh giá một cách thẳng thắn, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ: Đối với phương án một giá điện bằng 145% (2A) và 155% (2B) là mức giá quá cao bởi giá bình quân điện sinh hoạt hiện hành chỉ cao hơn giá điện bán lẻ bình quân khoảng 108% (2.018/1.864,44) là phù hợp. Nhưng rõ ràng, theo 2 phương án trên thì mức chênh lệch này đã vượt quá con số cho phép, tương ứng với mức 172,7% và 114,6%.

"Điều này cần được xem xét, tính toán lại cho phù hợp với mục đích đề ra", ông Thỏa nói và băn khoăn: Mức cao hơn này thiếu căn cứ rõ ràng, minh bạch, phải chăng đây là chủ trương tăng giá của các nhà chức trách?

Theo vị chuyên gia này, nếu phải áp một giá điện thì cần thống nhất lấy mức giá điện sinh hoạt bình quân được tính từ biểu giá điện hiện hành là 2.018 đồng/kWh (chưa VAT) để tính toán bởi giá này đã bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí và có lãi cho đơn vị kinh doanh.

Song, xét trên phương diện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì nên chọn phương án biểu giá điện bậc thang, đảm bảo cho khoảng 98,2% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700 kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí có những bậc giá còn giảm.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục