Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi

16/03/2022 09:40 GMT+7
Tháng 2/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chỉ đạt 25,32 nghìn tấn, trị giá 150,7 triệu USD, giảm 37% về lượng và giảm 36,8% về trị giá so với tháng 1/2022. Dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ vẫn ở mức thấp vì có quá nhiều bất lợi đang chờ đợi...

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chỉ đạt 25,32 nghìn tấn, trị giá 150,7 triệu USD, giảm 37% về lượng và giảm 36,8% về trị giá so với tháng 1/2022, nhưng so với tháng 2/2021 tăng 15,2% về lượng và tăng 18,2% về trị giá. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 65,46 nghìn tấn, trị giá 389 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi - Ảnh 1.

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi. Ảnh: CT

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Về diễn biến giá xuất khẩu bình quân: Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.950 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 1/2022 và tăng 2,5% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.943 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường: Tháng 2/2022 so với tháng 2/2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng, trong khi xuất khẩu sang các thị trường Hà Lan, Trung Quốc, Úc, Canada, Nga giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm, nhưng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Đức, Úc, Ý, Anh, Ả rập Xê út tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ vẫn ở mức thấp vì có quá nhiều bất lợi đang chờ đợi. Trước hết là theo yếu tố chu kỳ, quý I là thời gian châu Âu thường nhập khẩu hạt điều ở mức thấp nên dự báo, ngay cả tháng 3 xuất khẩu hạt điều sang khu vực này khó tăng mạnh. Thứ hai là các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đang vướng vào vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý...

Liên quan đến vụ các container hạt điều xuất khẩu sang Ý có dấu hiệu bị lừa đảo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Ý trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ý cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Ý để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã liên hệ với công ty môi giới các hợp đồng mua bán hạt điều nói trên, đề nghị cung cấp thông tin và tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, cử cán bộ đến làm việc với Đại sứ quán, đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để giải quyết vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Ý đề nghị các Bộ trưởng của Ý quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Ý.

Căng thẳng Nga-Ukraine không tác động nhiều tới xuất khẩu hạt điều

Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc các container hạt điều xuất khẩu sang Ý có dấu hiệu bị lừa đảo, tuy nhiên qua vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu ở tất cả các thị trường khác cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định trong hoạt động thương mại quốc tế vẫn xảy ra những rủi ro, trong đó có hoạt động lừa đảo. Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc các container điều ở Ý, nhưng nếu đây đúng là một vụ lừa đảo thì tính nghiêm trọng thể hiện ở việc liên quan đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với khối lượng lên đến hàng chục container điều. Việc này cho thấy vụ lừa đảo đã được dàn dựng tinh vi trên quy mô lớn.

Câu chuyện các container nhân hạt điều tại Ý vẫn chưa kết thúc, các bên cần chung tay để tìm ra giải pháp khả dĩ nhất hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó cũng rút ra những bài học cần thiết để xuất khẩu nông sản tiếp tục vươn lên. Trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại nói chung.

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi - Ảnh 4.

Căng thẳng Nga-Ukraine không tác động nhiều tới xuất khẩu hạt điều. Ảnh: CT

Thực tế, ngoài các bất lợi khó khăn nêu trên, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine hiện nay được đánh giá không tác động nhiều đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Bởi lượng hạt điều của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nga ở mức thấp.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu hạt điều của nước này trong năm 2021 đạt 15,2 nghìn tấn, trị giá 61,62 triệu USD, tăng 40,5% về lượng và tăng 36,2% về trị giá so với năm 2020.

Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Nga đạt mức 4.054 USD/tấn, giảm 3,0% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Nga từ hầu hết các nguồn cung giảm, ngoại trừ Belarus.

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Nga (*) Ghi chú HS 080131 Hạt điều tươi hoặc khô, chưa tách vỏ; HS 080132 Hạt điều tươi hoặc khô, đã tách vỏ

Về thị trường cung cấp năm 2021, Nga tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Belarus, nhưng giảm nhập khẩu từ các thị trường Ấn Độ, Mozambique, Nigieria. Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga cho thấy, năm 2021, Nga nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 9,47 nghìn tấn, trị giá 54,45 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga tăng từ 55,17% trong năm 2020, lên 62,33% trong năm 2021. 

Năm 2021, Nga tăng nhập khẩu hạt điều từ Belarus, tăng 23,1% về lượng và tăng 23,5% về trị giá so với năm 2020, đạt xấp xỉ 5,5 nghìn tấn, trị giá 5,68 triệu USD. Thị phần hạt điều của Belarus trong tổng lượng nhập khẩu của Nga giảm từ 41,24% năm 2020 xuống còn 36,12% năm 2021. 

Như vậy có thể thấy, ngành điều Việt Nam hiện đang chiếm lĩnh thị trường Nga. Với lợi thế về nguồn cung, chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) mang lại, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững thị trường Nga trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cố gắng khắc phục các khó khăn ở thị trường Nga trong bối cảnh xung đột hiện nay.

Để thúc đẩy xuất khẩu hạt điều trong tháng 3 và quý 2 năm nay, trước mắt, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp hướng tới các thị trường Anh, Hà Lan, Đức và Trung Quốc nhiều hơn nữa.

Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2021, nhập khẩu hạt điều của Anh đạt 23,4 nghìn tấn, trị giá 151,28 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, Anh nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 16,5 nghìn tấn, trị giá 97,63 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 7,0% về trị giá; từ Hà Lan đạt 3,45 nghìn tấn, trị giá 24,28 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và tăng 30,4% về trị giá; từ Đức đạt 2,22 nghìn tấn, trị giá 19,37 triệu USD, tăng 5,0% về lượng, nhưng giảm 5,7% về trị giá so với năm 2020. 

Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Anh trong năm 2021 đạt mức 6.464 USD/tấn, giảm 3,8% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Anh từ Việt Nam tăng 0,7%, lên mức 5.920 USD/ tấn; từ Hà Lan giảm 10,9%, xuống còn 7.033 USD/tấn; từ Đức giảm 10,2%, xuống mức 8.729 USD/tấn. 

Theo Eurostat, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho EU, đạt 110,8 nghìn tấn, trị giá 644,6 triệu EUR trong 11 tháng năm 2021, tăng 8,6% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU tăng từ 54,1% trong 11 tháng năm 2020, lên 55,76% trong 11 tháng năm 2021.

Quá lo lắng khi xuất khẩu hạt điều giảm mạnh, nhiều bất lợi đang chờ đợi - Ảnh 6.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Còn theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này trong năm 2021 đạt 203,55 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 180,16 triệu USD, tăng 21,9%. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 88,61% trong năm 2020 xuống 88,51% trong năm 2021. 

Đáng chú ý, mặc dù nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc từ Bờ Biển Ngà, Myanmar, Benanh năm qua tăng lên song trị giá nhập khẩu hạt điều từ các thị trường trên vẫn ở mức thấp, trong ngắn hạn chưa thể cạnh tranh với hạt điều Việt Nam tại thị trường Trung Quốc hiện nay và trong tương lai.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục