Quá trình tạo đáy của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kéo dài nhiều tháng
Kết thúc tuần giao dịch từ 16-20/5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.240,71 điểm, tăng 57,94 điểm (+4,9%) so với cuối tuần trước, qua đó chấm dứt mạch giảm điểm 6 tuần liên tiếp.
Thanh khoản thị trường tuần qua tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong đó, riêng tổng giá trị giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn HOSE đạt 67.970,6 tỉ đồng, giảm 19,3% so với tuần trước đó. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển sang bán ròng trên HOSE, nhưng không nhiều, chỉ ở mức 146,6 tỉ đồng.
Chia sẻ tại tiêu điểm chứng khoán cuối tuần của CTCP Chứng khoán MB (MBS), ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, cho rằng VN-Index tăng mạnh tuần qua chỉ là một nhịp phục hồi trong quá trình tạo đáy có thể kéo dài vài tháng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chuyên gia của MBS đánh giá, đợt giảm tương đối hiếm gặp của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng.
“Mặc dù họ đang cầm rất nhiều tiền mặt nhưng chưa muốn tham gia trở lại thị trường. Thậm chí, một số nhà đầu tư chỉ muốn tham gia một phần danh mục từ 20-30%, còn lại 70% là tiền mặt”, kinh tế trưởng MBS nói.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, một số nhà đầu tư đang nắm tương đối nhiều cổ phiếu nhưng có xu hướng bán ra khi thị trường có những nhịp phục hồi. Với tâm lý như vậy, diễn biến đi lên của thị trường sẽ chậm và mang tính thử thách cao.
Kinh tế trưởng MBS nhận định, những nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại không phải nhà đầu tư có tầm nhìn ngắn hạn và đầu cơ nhanh. Do đó, dòng tiền chảy vào thị trường không nhiều, quá trình tạo đáy và đi lên của thị trường phải được tính bằng tháng.
Đánh giá về nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, ông Hoàng Công Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư cần chọn lọc những cổ phiếu tốt và đang có mức định giá rẻ.
Trong quý 1/2022, lợi nhuận của các ngân hàng có sự phân hóa lớn, biên lợi nhuận một số ngân hàng đã có xu hướng giảm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng mạnh, còn lãi suất cho vay không tăng tương xứng.
Bên cạnh đó, dưới áp lực lạm phát hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có nhắc nhở về việc tiết chế tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
“Một số ngân hàng có xu hướng cho vay bất động sản nhiều hoặc tăng trưởng tín dụng lớn trong quý 1 mà không có những yếu tố hỗ trợ về “room” tín dụng trong năm nay thì nhiều khả năng lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng thấp, thậm chí là giảm”, Kinh tế trưởng MBS nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tuấn cũng điểm tên một số ngân hàng vẫn duy trì được mức biên lợi nhuận nhờ tỉ lệ CASA cao và trong năm ngoái đã trích lập dự phòng tốt như ACB, MBBank, Vietcombank./.