Quảng Nam: Cấp 14 nghìn cây sâm Ngọc Linh giống cho dân

01/10/2021 14:48 GMT+7
Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cấp đến 14.000 cây sâm Ngọc Linh giống cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện để trồng phát triển loại cây dược liệu quý hiếm này.

Ngày 1/10, ông Trình Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: vừa triển khai cấp sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi cho nhân dân các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn để đưa vào trồng vụ mới.

Theo đó, đợt này Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp huyện Nam Trà My đã cấp 4.500 cây sâm giống ươm từ vườn sâm Tắc Ngo của huyện Nam Trà My; đợt 2 cấp 9.500 cây sâm giống ươm từ vườn của Trung tâm sâm và dược liệu Quảng Nam.

Quảng Nam: Cấp 14 nghìn cây sâm Ngọc Linh giống cho dân - Ảnh 1.

Đợt này Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp huyện Nam Trà My đã cấp 4.500 cây sâm giống ươm từ vườn sâm Tắc Ngo của huyện Nam Trà My (Ảnh: Hoàng Thọ)

Số sâm Ngọc Linh giống này được hỗ trợ cho cho người dân theo Nghị quyết 41/2017/NQ-HĐND ngày 17/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025.

Được biết, toàn huyện Nam Trà My có 7 xã được cấp chỉ dẫn địa lý và quy hoạch 15.000ha dịch vụ môi trường rừng để ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã cấp cho các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My mỗi huyện 1.000 cây sâm Ngọc Linh giống để trồng trên những khu rừng nguyên sinh có độ cao từ 1.300 đến 1.500m.

Quảng Nam: Cấp 14 nghìn cây sâm Ngọc Linh giống cho dân - Ảnh 2.

Cây sâm Ngọc Linh giống (Ảnh: Trương Hồng)

Cây sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia, là "Quốc bảo" của Việt Nam. Do vậy, phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm đóng vai trò rất quan trọng.

Được biết, cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao đối với người dân huyện Nam Trà My, hiện mỗi kg sâm củ có giá giao động từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng, riêng mỗi kg lá sâm cũng được bán đến 10 triệu/kg.

Đặc biệt, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách, để bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh.

Quảng Nam: Cấp 14 nghìn cây sâm Ngọc Linh giống cho dân - Ảnh 3.

Vườn ươm sâm Ngọc Linh giống của Trung tâm sâm và dược liệu Quảng Nam (Ảnh: Trương Hồng)

Nhờ vậy, bước đầu đã góp phần bảo tồn nguồn giống gốc, tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được xác định khoảng 16.000ha, đến nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh.

Mục tiêu của Quảng Nam từ năm 2025 - 2030 sẽ trở thành Trung tâm giống sâm Ngọc Linh Quốc gia; Hằng năm sản xuất ra được 5 - 10 triệu cây/năm giống sâm Ngọc Linh (trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô) để cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm, đón từ 5 - 10 triệu lượt khách đến tham quan vùng sâm, thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm.

Đến năm 2045, đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn...



Trương Hồng
Cùng chuyên mục