Quảng Nam: Chuyển đổi số ở Tam Kỳ giúp hồ sơ hành chính nhiều địa phương đạt 100%
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết: Tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh được quan tâm từ rất sớm. UBND thành phố xem việc chuyển đổi số trên 3 trụ cột là, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.
Trên cơ sở đó, trong các năm qua thành phố Tam Kỳ đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các cơ quan, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, ngân hàng… để triển khai đạt kết quả nhiều nhiệm vụ như, hoàn thiện hạ tầng mạng tốc độ cao kết nối các cơ quan, đơn vị thành phố; đầu tư nâng cấp trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống bảo mật của thành phố;
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, buôn bán, tại các tuyến phố trung tâm; thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt... Tiếp tục đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, truyền thống lên các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử.
Hoàn thiện việc chuyển giao nhiệm vụ tại trung tâm hành chính công thành phố cho doanh nghiệp bưu chính công ích; đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường mạng được nâng lên đáng kể trên 96%, nhiều địa phương đạt 100%.
Và thành phố đã xây dựng, phát triển, khai thác dữ liệu số được quan tâm đúng mức; hiện thành phố đã hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời phục vụ tra cứu, khai thác thông tin cho người dân như, dữ liệu thiết chế văn hóa, thể thao; cơ sở dữ liệu về sản phẩm du lịch; cơ sở dữ liệu về hạ tầng viễn thông; cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị; hệ thống thông tin quản lý đất đai, cơ sở dữ liệu khu cụm công nghiệp…
Đặc biệt, trong phạm vị dự án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam do cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc viện trợ, thành phố đã thực hiện xây dựng trung tâm điều hành thông minh thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành với 3 dịch vụ thí điểm là, hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông; hệ thống giám sát, cảnh báo ngập lụt trên các sông ngòi và hệ thống wifi công cộng.
"Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tạo thuận lợi trong tương tác giữa người dân và chính quyền; góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong thời gian đến, thành phố Tam Kỳ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, giải pháp, hành động cụ thể để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương", ông Nam cho biết.
Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, năm nay UBND thành phố tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động có ý nghĩa như, tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày, trải nghiệm các giải pháp, sản phẩm công nghệ số; ngân hàng số…; tọa đàm về hoạt động SXKD, khởi nghiệp; mua bán các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP,… trên nền tảng số; tổ chức thường xuyên "ngày thứ 7 - ngày hội công dân số" gắn với mô hình "Tộc họ văn hóa gắn với chuyển đổi số".
"Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Để hiện thực hóa các khát vọng chuyển đổi số, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nói chung và tại thành phố Tam Kỳ, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến mục tiêu, tầm quan trọng trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc trực tiếp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Nam.
Mỗi người dân hãy là công dân số, tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính; cài đặt, tích hợp và sử dụng các ứng dụng tiện ích trong VNeID.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh trong tình hình mới", ông Nam nhấn mạnh.