Quảng Nam: Hậu quả mưa lũ chưa dứt dịch tả lợn châu Phi lại tái phát

12/11/2020 15:46 GMT+7
Dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn các huyện Thăng Bình, Đại Lộc (Quảng Nam) khiến nhiều nông dân chăn nuôi đang hết sức lo lắng.

Đại diện Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thăng Bình cho biết, dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn huyện vào ngày 31/7/2020 ở thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh) rồi lây lan ra ở một số xã Bình Giang, Bình Sa, Bình Nam, Bình Dương. Đến nay, toàn huyện Thăng Bình cũng đã tiêu hủy 203 con heo (91 con heo nái và 112 con heo thịt), tổng trọng lượng tiêu hủy gần 20 tấn heo.

Quảng Nam: Tái phát dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Ngành chức năng đang phối hợp với các địa phương có dịch tả lợn châu Phi để tăng cường công tác xử lý , phun thuốc ở các ổ dịch. Ảnh: CTV

Còn tại Đại Lộc, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát trên địa bàn các xã Đại Lãnh và Đại Đồng. Hiện nay Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc đang phối hợp với các xã trên địa bàn chủ động áp dụng các giải pháp để ngăn chặn dịch lây lan mạnh trong cộng đồng.

"Trên địa bàn xã có hơn 1.500 con heo nuôi lấy thịt. Dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn hồi tháng 8/2019 đến tháng 5/2020 mới được công bố hết dịch bệnh. Từ đầu tháng 10 đến nay, dịch tái phát ở hộ gia đình ông Lê Văn Cầu (thôn Hà Dục Tây). Đến nay, ở các thôn Hà Dục Đông và Hà Tân cũng đã phát hiện heo chết, kết quả các mẫu xét nghiệm đều ghi nhận dương tính với dịch tả lơn châu Phi…" - Bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết.

Quảng Nam: Tái phát dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 2.

Tiêu hủy heo nhiễm bệnh ở Thăng Bình được thực hiện chặt chẽ và đảm bảo. Ảnh - Báo Quảng Nam

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam), dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện ở nhiều địa phương, ngành đang tổng hợp báo cáo để đánh giá. Để đối phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các ngành chức năng, địa phương cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các cơ sở nuôi heo sử dụng con giống được kiểm dịch, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo tiêm phòng vắc xin, nâng cấp các dụng cụ chăn nuôi, đặc biệt là xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tả lợn châu Phi bài bản, hiệu quả.

Đ.Nghĩa
Cùng chuyên mục